Phát huy phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”

Thứ sáu - 12/06/2015 08:00 40 0
Trước những yêu cầu ngày càng cao của thời kì CNH, HĐH đất nước, để có được 04 phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” góp phần nâng cao vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, người phụ nữ cần phải cố gắng nỗ lực, phấn đấu không ngừng.

Trước hết, mỗi một phụ nữ cần nhận thức đúng, đầy đủ về 04 phẩm chất và sự cần thiết phải rèn luyện để có được những phẩm chất đó. Sẵn sàng vượt qua khỏi định kiến giới, vượt qua những trở ngại của bản thân, dám nghĩ, dám làm, dám tin vào khả năng thành công của mình; đồng thời có niềm tin vào ý chí, năng lực, bản lĩnh và phẩm chất tốt đẹp của bản thân, của phụ nữ.

Mỗi người cần xác định rõ trách nhiệm xã hội của mình trong quá trình tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất đạo đức. Luôn quan tâm đến lợi ích xã hội, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, khắc phục tư tưởng ích kỉ, hẹp hòi, níu kéo, đố kị với người khác.

Không ngừng học tập vươn lên, tự xác định nhu cầu, mục đích học tập, lựa chọn nội dung và loại hình học tập thích hợp; có ý thức học mọi lúc, mọi nơi, mọi hình thức, học suốt đời để nắm vững chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nội quy của tập thể, cộng đồng; không ngừng vươn lên trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; nâng cao kiến thức văn hoá, kĩ năng giao tiếp ứng xử; thực hành phương pháp khoa học trong nuôi dạy con và chăm sóc gia đình.

Tự giác, thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức. Phải xác định được rằng phẩm chất đạo đức của con người không tự nhiên sẵn có mà được hình thành qua giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện hàng ngày. Đồng thời, phẩm chất đạo đức cũng không phải nhất thành, bất biến mà luôn chịu sự tác động của ngoại cảnh, dễ bị thay đổi. Do đó, việc rèn luyện cần được thực hiện thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, tự soi xét bản thân hàng ngày và tu dưỡng suốt cả cuộc đời.

Để gìn giữ và không ngừng phát huy những phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, mỗi một cán bộ, hội viên, phụ nữ hãy tích cực học tập, rèn luyện theo 04 phẩm chất đạo đức "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang" đồng thời là nòng cốt trong việc tuyên truyền để làm sao cho các phẩm chất đạo đức tốt đẹp có sức lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội. Bởi lẽ, giữ gìn, phát huy và bồi dưỡng những phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam không chỉ cần thiết đối với người phụ nữ, mà còn cần thiết đối với mọi người dân Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập.

Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang luôn là phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp, góp phần thể hiện vai trò làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ, đồng thời khẳng định vị thế của chị em trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, việc phát huy những phẩm chất đạo đức ấy càng có ý nghĩa hơn, giúp người phụ nữ đáp ứng yêu cầu của thời kì CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Đối với bản thân người phụ nữ, 04 (bốn) phẩm chất đạo đức Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang giúp người phụ nữ nắm bắt cơ hội, tận dụng những yếu tố tích cực, tránh những tác động tiêu cực của thời kì CNH, HĐH và hội nhập, vượt qua những thách thức khó khăn để trở thành người phụ nữ thành công trong cuộc sống và sự nghiệp. Đó cũng là điều kiện đem lại giá trị đích thực cho người phụ nữ, hướng người phụ nữ sống thiện, sống đẹp, sống có ích. Khi vai trò, vị trí của phụ nữ được nâng lên, chị em có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Đối với mỗi gia đình, 04 phẩm chất đạo đức Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang còn giúp người phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người vợ đảm, người mẹ hiền; từ đó tác động tích cực tới các thành viên trong gia đình; tạo cơ sở để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc bền vững.

Đối với cộng đồng, 04 phẩm chất đạo đức Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang giúp người phụ nữ có thể thực hiện tốt trách nhiệm công dân, tác động tích cực tới cộng đồng, xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. 

                                                                                                Kim Hà

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây