Quốc hội thảo luận Dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và thông qua một số dự án Luật, nghị quyết

Thứ ba - 20/06/2017 15:00 135 0
Ngày 19.6, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận Dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và thông qua một số dự án Luật, nghị quyết

Quốc hội thảo luận Dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và thông qua một số dự án Luật, nghị quyết

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp- Ảnh quochoi.vn

* Biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc bổ nhiệm hai Thẩm phán TAND Tối cao

Buổi sángQuốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về việc bổ nhiệm 2 Thẩm phán TAND Tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Hai nhân sự được bỏ phiếu là ông Lê Hồng Quang (sinh năm 1968)- uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang và ông Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1966)- Thẩm phán cao cấp, Phó Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội.

Kết quả kiểm phiếu, ông Lê Hồng Quang có 387 phiếu đồng ý, chiếm 78,81% tổng số đại biểu Quốc hội; ông Nguyễn Văn Tiến có 421 phiếu đồng ý, chiếm 85,74% tổng số đại biểu Quốc hội

Với 408/424 đại biểu Quốc hội tán thành (chiếm 83,10%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án TAND Tối cao về việc bổ nhiệm 2 Thẩm phán TAND tối cao đối với ông Lê Hồng Quang và ông Nguyễn Văn Tiến.

Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

Trong phiên thảo luận, đã có 26 đại biểu phát biểu và 2 đại biểu tranh luận. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình ý kiến của đại biểu nêu.

* Thảo luận dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi)

Về tên gọi của Luật bảo vệ và phát triển rừng, đa số ý kiến đại biểu nhất trí lấy tên gọi khác của luật là Luật Lâm nghiệp, vừa bảo đảm tính thống nhất của ngành Lâm nghiệp, vừa mang tính tổng quát nhất, dễ hiểu nhất.

Tên gọi Luật Bảo vệ, phát triển rừng không mang tính tổng quát của ngành lâm nghiệp, chỉ xoay quanh hai nội dung là bảo vệ và phát triển. Điều này không còn phù hợp trong tình hình hiện nay là ngành Lâm nghiệp đang và phát triển rộng về kinh tế, môi trường.  

Tuy nhiên, cũng có ý kiến giữ nguyên tên gọi Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Bởi lẽ, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 đã được triển khai rộng rãi trong thời gian dài, được người dân, chủ rừng biết đến và quen thuộc với tên gọi này, đặc biệt là đồng bào vùng cao, dân tộc thiểu số.

Về chính sách bảo vệ và phát triển rừng, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị rà soát và tập trung quy định các chính sách đối với bảo vệ và phát triển rừng vào trong một điều khoản và quy định các nội dung cụ thể là nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng rừng đầu tư lao động vốn công nghệ, áp dụng khoa học, công nghệ bảo vệ và phát triển rừng.

Có chính sách bảo vệ và phát triển rừng phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.

Có chính sách hỗ trợ chủ rừng, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư có điều kiện thuận lợi trong tiếp cận bảo vệ và phát triển diện tích rừng  có đất xấu nằm trên vùng sườn núi dốc hay thuộc rừng nghèo hệ sinh thái và hệ động, thực vật bị suy giảm chất lượng, trữ lượng và giá trị đa dạng sinh học bị suy giảm.

Ưu tiên giao rừng cho người dân sinh sống tại chỗ. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho chủ rừng liên doanh, liên kết phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu, đào tạo, bảo vệ và phát triển rừng.

Đặc biệt, cùng với cơ chế hỗ trợ sau đầu tư và đầu tư, cần bổ sung quy định về cơ chế tài chính hỗ trợ cho chủ rừng, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi với thời gian thích hợp.

Quốc hội thảo luận Dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và thông qua một số dự án Luật, nghị quyết
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường giải trình trước Quốc hội- Ảnh quochoi.vn

Đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên) cho rằng, dân là người trực tiếp bảo vệ rừng. Không một lực lượng nào bảo vệ rừng tốt hơn là sự tham gia của người dân, và chỉ khi nào họ thấy rừng đảm bảo cuộc sống của họ thì rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn.

Do vậy, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể hơn chính sách của nhà nước trong bảo vệ và phát triển rừng tại Điều 89 chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, nhằm khuyến khích và nâng cao được trách nhiệm của người dân tham gia bảo vệ rừng.

Về hình thức sở hữu, Điều 7 của dự thảo luật quy định hai hình thức sở hữu, gồm rừng sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu và rừng sở hữu thuộc tổ chức, hộ gia đình do cá nhân, cộng đồng dân cư.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng quy định hai hình thức sở hữu này chưa phù hợp với Hiến pháp và các quy định khác của pháp luật, bởi lẽ trong Điều 53 của Hiến pháp và Điều 4 của Luật Đất đai năm 2013 đã quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng theo quy định của luật này.

Trong khi rừng bao gồm cả đất rừng nên không thể giao quyền sở hữu cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư mà chỉ giao cho các chủ thể này quyền sử dụng. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc thận trọng trong quy định này.

Về chủ rừng, Điều 21 dự thảo Luật quy định hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư là đối tượng được Nhà nước giao rừng và cho thuê rừng (Điều 22), và được công nhận là chủ rừng tại Điều 8 của dự thảo Luật.

Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao hoặc cho thuê rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên hoặc rừng trồng. Cộng đồng dân cư được nhà nước giao rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng trồng.

Tuy nhiên, theo đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk), quy định trên chưa cụ thể, dự thảo không quy định điều kiện để hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng.

Song, tại khoản 4 Điều 20 dự thảo quy định giao rừng, cho thuê rừng phải căn cứ vào năng lực quản lý rừng bền vững của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, năng lực quản lý rừng bền vững như thế nào, dự thảo Luật chưa xác định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn, phương pháp và cơ quan nào xác định những năng lực đó. Bên cạnh đó, quy định này không phù hợp đối với hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số.

Nếu quy định như vậy sẽ thu hẹp cơ hội được nhà nước giao đất, giao rừng, cải thiện sinh kế đối với chủ rừng là cộng đồng dân tộc thiểu số.

Về nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng tại Điều 19, đại biểu Đức cũng đề nghị bổ sung một số nội dung: phải đảm bảo tôn trọng không gian sinh tồn, không gian văn hóa, phong tục, tập quán quản lý rừng của cộng đồng dân cư; bảo đảm hộ gia đình, cộng đồng dân cư có cuộc sống sinh hoạt gắn bó với rừng, có truyền thống quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, được giao rừng và cho thuê rừng gắn với quyền sử dụng đất để thực hành sinh kế, văn hóa tín ngưỡng gắn với rừng tại địa phương.

Bên cạnh đó, trong dự thảo chưa quy định về vai trò bảo vệ rừng của cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống tại chỗ. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định về việc ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại chỗ.

Về phân loại rừng, đa số các ý kiến đều nhất trí phân loại rừng thành 3 loại như dự thảo rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Một số ý kiến khác đề nghị phân loại thành 2 loại rừng là rừng kinh tế bao gồm rừng sản xuất và rừng bảo vệ gồm rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.

Quốc hội thảo luận Dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và thông qua một số dự án Luật, nghị quyết
Tuần tra bảo vệ rừng- Ảnh minh hoạ

Về quy hoạch lâm nghiệp quốc gia ở Chương II, để đồng bộ và phù hợp với Luật Quy hoạch, đại biểu Lưu Đức Long (Vĩnh Phúc) đề nghị chỉ quy định trách nhiệm về quan hệ phối hợp của các bộ, ngành với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong xây dựng quy hoạch lâm nghiệp quốc gia. Còn về nguyên tắc, căn cứ, trình tự, thủ tục trong dự thảo rất nhiều là không cần thiết, cần tuân theo Luật Quy hoạch.

Đối với thẩm quyền giải quyết chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) thống nhất, nhưng cần phải phân tách việc này cho rõ để quản lý, kiểm soát chặt chẽ và làm rõ trách nhiệm của từng cấp đối với việc chuyển mục đích sử dụng rừng, tránh tình trạng tùy ý làm mất rừng như một số trường hợp vừa qua.

Đại biểu đề nghị đối với thẩm quyền của Quốc hội, nâng diện tích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn từ 100 ha trở lên thay vì 50 ha. Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay lấn biển từ 1.000 ha trở lên thay vì 500 ha. Rừng sản xuất từ 2.000 ha trở lên thay vì 1.000 ha như dự thảo.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung nội dung: hằng năm, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo việc chuyển dụng mục đích sử dụng các loại rừng cho Quốc hội để theo dõi giám sát.

Về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở Điều 90, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) đề nghị bổ sung trách nhiệm báo cáo việc quản lý, sử dụng quỹ này cho cơ quan có thẩm quyền ngay trong điều luật…

Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; Nghị quyết về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, với 403 đại biểu Quốc hội tán thành.

Quốc hội cũng thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Luật Thủy lợi và Luật Du lịch (sửa đổi).

Ngày 20.6, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua một số dự án Luật.

Theo Báo Tây Ninh Online


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây