Tây Ninh sử dụng token chữ ký số do ban Cơ yếu Chính phủ cấp để chứng thực văn bản điện tử
Theo Quyết định 28/2018/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, văn bản điện tử đã ký số theo quy định của pháp luật được gửi, nhận thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành quy định tại Quyết định này có giá trị pháp lý tương đương văn bản giấy và thay cho việc gửi, nhận văn bản giấy.
Quyết định nêu rõ, văn bản điện tử phải được gửi ngay trong ngày văn bản đó ký ban hành. Văn bản điện tử đến sau khi được tiếp nhận, nếu bảo đảm giá trị pháp lý phải được xử lý kịp thời, không phải chờ văn bản giấy. Trường hợp văn bản điện tử thuộc loại khẩn phải được đặt ở chế độ ưu tiên, ghi rõ mức độ khẩn, gửi ngay sau khi đã ký số và phải được trình, chuyển giao xử lý ngay sau khi tiếp nhận. Tất cả các văn bản điện tử thuộc thẩm quyền ban hành và giải quyết của cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước phải được gửi, nhận qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành, trừ trường hợp bên gửi hoặc bên nhận chưa đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, an toàn thông tin, giải pháp kết nối, liên thông để gửi, nhận văn bản điện tử.
Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 6/9/2018 và được áp dụng đối với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp và các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Từ năm 2016, các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã sử dụng văn bản điện tử chứng thực chữ ký số thực hiện gửi, nhận liên thông văn bản qua hệ thống văn phòng điện tử. Việc trao đổi văn bản điện tử được triển khai thực hiện theo quyết định số 07/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh, từ khi ứng dụng đã kết nối liên thông văn bản giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính, tiết kiệm chi phí, thời gian và hỗ trợ việc kiểm tra, theo dõi kết quả gửi, nhận văn bản.
Mạnh Nhân