Tài liệu hỏi – đáp về lịch sử của vùng đất Tây Ninh, nhân kỷ niệm Tây Ninh-180 năm hình thành và phát triển

Thứ sáu - 26/08/2016 17:00 272 0
BBT: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tây Ninh vừa phát hành tập Tài liệu hỏi – đáp về lịch sử của vùng đất Tây Ninh, nhân kỷ niệm Tây Ninh-180 năm hình thành và phát triển, Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử của tỉnh xin giới thiệu đến bạn đọc nội dung tập tài liệu này.

TÂY NINH - 180 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN (1836 - 2016)

Để có một Tây Ninh phát triển như hôm nay là cả quá trình khai phá, tạo lập của các bậc tiền nhân và của những lớp cư dân người Việt đầu tiên đặt chân đến vùng đất này, cho đến quá trình cùng cả nước đấu tranh trung dũng, kiên cường trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến đấu bảo vệ biên giới Tây - Nam của Tổ quốc, cũng như trong công cuộc xây dựng, đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.

Tài liệu này tóm tắt những mốc lịch sử và thành tựu nổi bật của Tây Ninh- 180 năm hình thành và phát triển (1836-2016).

Câu 1. Công cuộc khai phá vùng đất Tây Ninh diễn ra từ khi nào?

Công cuộc khai phá vùng đất Tây Ninh đã diễn ra cách đây hơn 300 năm, từ thế kỷ XVII, khi lớp lưu dân người Việt từ vùng Ngũ Quảng - Đàng Trong lần lượt vào vùng Đồng Nai - Gia Định khai hoang, lập ấp. Tuy nhiên, công cuộc khai phá vùng đất Tây Ninh được diễn ra rõ nhất, có hiệu quả nhất vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII.

Năm Mậu Dần (1698), phủ Gia Định được thành lập, gồm 2 huyện: Phước Long và Tân Bình. Vùng đất Tây Ninh khi đó thuộc huyện Tân Bình, phủ Gia Định.

Câu 2. Địa danh Tây Ninh ra đời khi nào?

Địa danh Tây Ninh ra đời vào năm 1836 (năm Minh Mạng thứ 17), với tư cách là một đơn vị hành chính cấp phủ thuộc tỉnh Gia Định; gồm 2 huyện Tân Ninh và Quang Hóa với tổng cộng 7 tổng, 56 xã, thôn.

Đây cũng là lần đầu tiên tên gọi Tây Ninh chính thức có trong văn bản hành chính Việt Nam. Địa danh Tây Ninh giải thích theo gốc Hán Việt, nghĩa là: "an ninh ở phía tây".

Câu 3. Tây Ninh trong những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ nhất? 

Công cuộc kháng Pháp ở Tây Ninh diễn ra ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp đặt chân lên đến đây. Tiêu biểu như: cuộc đấu tranh của nghĩa quân Lãnh binh Tòng; cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp tại luỹ thành An Cơ (thuộc xã An Cơ, huyện Châu Thành ngày nay), dưới sự chỉ huy của ông Khâm Tấn Tường.

Cuộc liên kết chống thực dân Pháp giữa nghĩa quân của Trương Quyền và nghĩa quân của Pô-kum-Pô (một nhà sư yêu nước của Campuchia) đã gây cho địch những tổn thất lớn và là nỗi khiếp sợ của quân xâm lược Pháp.

Tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của nhân dân Tây Ninh dưới sự lãnh đạo của các quan lại địa phương phát triển mạnh mẽ và rộng khắp trong toàn tỉnh, nhưng không làm xoay chuyển được tình thế, bởi so sánh tương quan lực lượng quá chênh lệch, một bên là nhân dân yêu nước đã bị triều Nguyễn giao nộp ba tỉnh miền Đông cho giặc Pháp từ năm 1862, lại phải đương đầu với đội quân viễn chinh của thực dân Pháp.

Câu 4: Các cơ sở đảng đầu tiên ở Tây Ninh?

Giồng Nần là cơ sở đảng hình thành đầu tiên ở Tây Ninh, vào năm 1930, do đảng viên Võ Văn Lợi tổ chức. Năm 1935, hình thành cơ sở đảng Quán Cơm (thuộc Phường I, Thành phố Tây Ninh ngày nay), do đồng chí Lên (Tư Địa), cán bộ Liên Tỉnh uỷ tổ chức. Năm 1938, hình thành cơ sở Đảng ở vùng Phước Chỉ với các đảng viên đầu tiên gồm Lê Văn Vẳng, Dương Quang Thạnh và Bùi Quang Ngỡi.

Câu 5. Tỉnh Gia Định Ninh được thành lập và tồn tại trong khoảng thời gian nào?

Năm 1951, thực hiện chủ trương của Trung ương Cục miền Nam, tỉnh Tây Ninh cùng với hai huyện Đức Hoà Thành, Trung Huyện của tỉnh Chợ Lớn và hai huyện Gò Vấp, Hóc Môn của tỉnh Gia Định sáp nhập lại thành tỉnh Gia Định Ninh. Đến tháng 10/1954, để thích ứng với tình hình mới, Liên Tỉnh ủy miền Đông quyết định tái lập tỉnh Tây Ninh theo ranh giới cũ.

Câu 6: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Tây Ninh thắng lợi khi nào?

Ngày 23/8/1945, Ban Cán sự Đảng tỉnh triệu tập hội nghị bàn việc tổ chức mít tinh để Mặt trận Việt Minh tỉnh ra hoạt động công khai. Sáng ngày 25/8/1945, lực lượng đảng viên của các tổ chức cơ sở Đảng và quần chúng giương cờ đỏ sao vàng, cùng tiến vào sân vận động Tây Ninh thực hiện cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền và thắng lợi hoàn toàn.

Câu 7: Ý nghĩa của chiến thắng Tua Hai trong Đồng khởi năm 1960?

Chiến thắng Tua Hai ở Tây Ninh, ngày 26/01/1960, là loại hình đồng khởi bắt đầu từ tiến công quân sự kết hợp với phong trào nổi dậy của quần chúng. Đây là thắng lợi đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Chiến thắng Tua Hai đã cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân Tây Ninh, miền Đông Nam bộ và cả miền Nam vùng lên mạnh mẽ, mở đầu cho thời kỳ đấu tranh chính trị có vũ trang hỗ trợ, là tiếng kèn báo hiệu cho cuộc nổi dậy đồng loạt của quân dân Tây Ninh trong Đồng khởi năm 1960.

Câu 8. Vai trò của "vành đai diệt Mỹ" Trảng Lớn trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước?

"Vành đai diệt Mỹ" được quân dân Tây Ninh lập ra ở Trảng Lớn khi đế quốc Mỹ đổ quân xây dựng căn cứ tại đây vào tháng 10/1965. Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn gồm 4 cụm chiến đấu, tạo thành thế liên hoàn bao vây căn cứ địch. Từ tháng 10/1965 đến tháng 4/1972, vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn đã diễn ra nhiều trận đánh, góp phần bẻ gãy chính sách hai gọng kìm trong chiến lược "tìm diệt và bình định" của đế quốc Mỹ.

Câu 9. Kết quả và ý nghĩa của chiến thắng trong cuộc phản công đập tan cuộc càn Junction City năm 1967 của đế quốc Mỹ?

53 ngày đêm, từ ngày 22/02/1967 đến ngày 15/4/1967, cuộc hành quân Junction City đã bị quân dân vùng căn cứ và quân dân Tây Ninh đánh bại, diệt 02 tiểu đoàn, 11 đại đội bộ binh, tiểu đoàn pháo binh, 09 chi đoàn thiết giáp, tiêu hao 03 tiểu đoàn bộ binh, 01 tiểu đoàn dù, loại khỏi vòng chiến 14.233 tên Mỹ, phá hủy 922 xe quân sự và tăng thiết giáp, 112 khẩu pháo, bắn rơi 160 máy bay. 

Cuộc hành quân Junction City là cuộc hành quân lớn nhất của đế quốc Mỹ vào vùng căn cứ Bắc Tây Ninh, lại là cuộc hành quân thua đau nhất, là mốc đánh dấu đỉnh cao thất bại của đế quốc Mỹ trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai. Chiến thắng này chứng minh, một đội quân xâm lược dù có lực lượng hùng hậu, trang bị vũ khí hiện đại đến đâu cũng không thể đánh bại được quân dân Việt Nam chiến đấu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Câu 10: Nhiệm vụ của tỉnh Tây Ninh trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975?

Nhằm hoàn thành mục tiêu giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa năm 1975, Tây Ninh được Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền giao nhiệm vụ tự lực giải phóng tỉnh; kìm chân sư đoàn 25, liên đoàn biệt kích 81 và cả lực lượng địch ở địa phương, không cho chúng rút chạy về Sài Gòn, tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực tấn công giải phóng Sài Gòn.

Bằng quyết tâm cao độ, quân dân Tây Ninh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao, góp phần kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ kéo dài gần 21 năm.

Câu 11. Tây Ninh trong Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp Campuchia hồi sinh?

Sau 450 ngày đêm chiến đấu (từ tháng 9/1977 đến tháng 01/1979), quân và dân Tây Ninh cùng lực lượng của cấp trên đã tổ chức trên 1.000 trận đánh, diệt và làm bị thương 4.596 tên địch, bắt sống 322 tên, diệt gọn 01 tiểu đoàn và 05 đại đội, đánh tan rã 01 trung đoàn và 03 tiểu đoàn địch, bảo vệ và giữ vững chủ quyền biên giới Tổ quốc.

Từ năm 1979 đến năm 1989, Tây Ninh đã huy động tối đa các lực lượng, giúp tỉnh Kompong Chàm của nước bạn Campuchia xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, hồi sinh mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội. Lực lượng tình nguyện Tây Ninh đã lần lượt rút về nước khi tỉnh bạn có thể tự đảm đương được sự nghiệp của mình.

Câu 12. Cùng với cả nước, Tây Ninh bắt đầu giai đoạn đổi mới, mở cửa 1986 - 1995 đạt được kết quả như thế nào?

Trong 10 năm đầu đổi mới, Tây Ninh đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất. Kinh tế đạt mức tăng trưởng liên tục với nhịp độ khá cao. Tổng sản phẩm xã hội: 1986 - 1991 tăng trên 5%, 1991 - 1995 tăng bình quân 11,3%/năm. Đến năm 1995, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh tăng bình quân 9,4%/năm, giá trị sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 14,2%/năm.

Khí thế và sức sống của đời sống xã hội vươn lên mạnh mẽ, sức mạnh tổng hợp của khối "đại đoàn kết toàn dân" được phát huy, nỗ lực phấn đấu, cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương Tây Ninh giàu đẹp, tiến bộ, công bằng và văn minh.

Câu 13. Vị trí địa lý, diện tích, dân số, cơ cấu đơn vị hành chính của tỉnh Tây Ninh hiện nay?

Tây Ninh nằm ở miền Đông Nam bộ, phía Đông giáp các tỉnh Bình Dương và Bình Phước, phía Nam giáp Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, phía Tây và phía Bắc giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 240 km. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 4.032,61 km2, dân số 1.115.154 người (tính đến ngày 31/12/2015). Tây Ninh có 22 dân tộc, trong đó các dân tộc thiểu số có 17.887 người, chiếm 1,63% dân số toàn tỉnh. Hiện nay tỉnh có 01 thành phố và 08 huyện, với tổng cộng 95 đơn vị hành chính cơ sở (trong đó có 07 phường, 08 thị trấn và 80 xã).

Câu 14. Tình hình kinh tế của Tây Ninh hiện nay?

Năm 2015, tổng sản phẩm (GRDP) của Tây Ninh (giá hiện hành) đạt 61.925 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách đạt 5.932 tỷ đồng, là một trong số ít các tỉnh tự cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương. Thu nhập bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 2.635 USD.

Tây Ninh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, các cây trồng chủ lực gồm: cao su, mía, mì, đậu phộng, thuốc lá, mãng cầu…; sản xuất mía đường, bột mì hàng đầu cả nước và đứng thứ hạng cao trong chế biến cao su. Ở khu vực phía Bắc, tỉnh đã phát triển được các vùng chuyên canh quy mô lớn đạt năng suất cao gắn liền với công nghiệp chế biến; ở phía Nam tập trung phát triển các ngành công nghiệp khác.

Câu 15. Kim ngạch xuất - nhập khẩu của Tây Ninh?

Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2.700 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm nhóm hàng chế biến nông, lâm sản (mủ cao su, hạt điều, khoai mì), dệt may, giày dép, các sản phẩm từ cao su, plastic (săm lốp xe, sản phẩm nhựa). Kim ngạch nhập khẩu đạt 1.971 triệu USD, chủ yếu là các mặt hàng hạt điều, xơ, sợi dệt, vải các loại; nguyên phụ liệu dệt, may, da , giày; máy móc thiết bị, phụ tùng khác.

Câu 16. Thu hút vốn đầu tư của Tây Ninh những năm qua?

Tây Ninh là một trong những địa phương thu hút vốn đầu tư lớn của cả nước. Luỹ kế đến năm 2015, toàn tỉnh có 240 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 3.500 triệu USD; 378 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 40.000 tỷ đồng; vốn thực hiện đạt khoảng 1.700 triệu USD và 17.000 tỷ đồng.

Tỉnh đã hình thành các phân khu công nghiệp phụ trợ, thu hút được các dự án hàng đầu với quy mô hàng trăm triệu USD/dự án (Brotex, Gain Lucky, Ilsin, Sailun, Firsteam...), 

Câu 17. Về khu, cụm công nghiệp ở Tây Ninh?

Tây Ninh có 07 khu công nghiệp nằm trong Quy hoạch khu công nghiệp Việt Nam. Tỉnh đã triển khai 05 khu công nghiệp (tổng diện tích 3.385 ha) và 20 cụm công nghiệp (tổng diện tích 902 ha).

Đến nay, các Khu Công nghiệp Trảng Bàng, Khu Chế xuất Linh Trung III, Khu Công nghiệp Chà Là (giai đoạn 1) cơ bản đã được lấp đầy; Khu Liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phước Đông - Bời Lời, Khu Công nghiệp Thành Thành Công thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, tạo điều kiện thúc đẩy công nghiệp của tỉnh phát triển.

Câu 18. Về du lịch ở Tây Ninh?

Tây Ninh có tiềm năng lớn về phát triển du lịch; nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng và 86 di tích lịch sử - văn hoá được xếp hạng cuối năm 2015, trong đó có 26 di tích cấp quốc gia, nổi bật là quần thể di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam; đặc trưng văn hoá ẩm thực chay phong phú và một số "đặc sản" nổi tiếng như: muối ớt, bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng, mãng cầu Bà Đen; các sản phẩm mây, tre, đan…

Năm 2015, Tây Ninh đón hơn 1,3 triệu lượt khách lưu trú và hơn 2,5 triệu lượt khách tham quan, doanh thu từ du lịch đạt 700 tỷ đồng.

Câu 19. Về giáo dục-đào tạo, y tế của tỉnh?

Từ tháng 12/1997, Tây Ninh đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học; năm 2006 đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đến cuối năm 2015, 1/4 số xã, phường, thị trấn trong tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học phổ thông, 1/5 số đơn vị trường học đạt chuẩn quốc gia; cơ sở vật chất cho ngành giáo dục được đầu tư ngày càng khang trang, hiện đại.

Về y tế, Tây Ninh duy trì 100% trạm y tế xã có bác sĩ luân phiên hoạt động; 100% ấp có nhân viên y tế cộng đồng, đạt 7 bác sĩ, dược sĩ và 22,7 giường bệnh/vạn dân; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng khám, điều trị bệnh không ngừng được nâng lên. Các chương trình y tế quốc gia, hoạt động hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số được thực hiện thường xuyên, có kết quả. 

Câu 20. Về cải cách hành chính của Tây Ninh thời gian qua?

Cải cách hành chính được xác định là một trong ba chương trình đột phá chiến lược của tỉnh; đến năm 2015, Tây Ninh đã giảm 1/3 thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với năm 2010; số thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ trên 95%.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tây Ninh năm 2015 đứng ở vị trí thứ 16/63 tỉnh thành trong cả nước, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam bộ (sau Thành phố Hồ Chí Minh). Tây Ninh đang trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Câu 21. Về kết quả thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội?

Toàn tỉnh có 11.980 đối tượng chính sách đang hưởng chế độ trợ cấp; có 95/1.191 Mẹ Việt Nam anh hùng, 05/31 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân còn sống; các Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Từ năm 2005, Tây Ninh đã cơ bản xoá nhà dột nát, nhà tạm cho hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chuẩn của Trung ương) giảm mạnh, từ mức 8% (năm 1995) xuống còn 1,59% (năm 2015), số hộ khá, giàu tăng rõ rệt. Các hoạt động xã hội, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ người nghèo, hiến máu nhân đạo... đã trở thành phong trào sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực và có sức lan toả lớn./.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TÂY NINH

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây