Các hoạt động triển khai Đề án phải phù hợp với tình hình thực tiễn của ngành, địa phương, đơn vị; gắn với thời gian và lộ trình thực hiện cụ thể; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và các cơ quan để đạt mục đích đã đề ra; gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, các chương trình, Đề án khác đang được triển khai tại sở, ngành, địa phương.
Các giải pháp thực hiện Đề án phải đảm bảo tính khả thi, kế thừa và phát huy tối đa những kết quả đạt được trong việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại địa phương.
Nội dung tuyên truyền phải bám sát yêu cầu của Đề án, tập trung tuyên truyền các nội dung cơ bản của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, các kỹ năng trong việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; xác định thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo; người giải quyết khiếu nại, tố cáo; trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chủ động sáng tạo trong việc lựa chọn hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phù hợp.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch, Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, tổ chức thực hiện Đề án theo nhiệm vụ được phân công; UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Ban chỉ đạo Đề án thực hiện kế hoạch này trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện các nội dung có liên quan.
TK