Cán bộ biên phòng tuyên truyền trực quan về phòng, chống tội phạm mua bán người (ảnh nguồn internet)
Tình hình tội phạm trong nước liên kết với tội phạm các nước, lừa bán phụ nữ và trẻ em từ các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vào các nhà hàng, ổ chứa mại dâm tại các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế, thương mại, qua biên giới ngày càng gia tăng.
Phụ nữ và trẻ em tại các xã vùng biên giới nước ta thường bị bán sang Trung Quốc, Campuchia chủ yếu để làm vợ, làm gái mại dâm. Nhiều nạn nhân phải lấy những người đàn ông lớn tuổi ở vùng sâu, kinh tế khó khăn, bị quản lý chặt chẽ về thời gian và kinh tế. Bên cạnh đó, một số phụ nữ và trẻ em còn bị lừa bán cho người nước ngoài thông qua môi giới hôn nhân, nhận làm con nuôi. Ở nước ngoài, do tình trạng nhập cư trái phép, họ phải sống lén lút, mất quyền tự do, nhân phẩm bị chà đạp, bất đồng về ngôn ngữ, nhiều phụ nữ buộc phải tìm cách trở về nước với hai bàn tay trắng, sức khoẻ bị suy giảm, bị mắc các bệnh xã hội, mặc cảm, khó hoà nhập cộng đồng.
Các đối tượng dễ bị bọn tội phạm mua bán người dụ dỗ và đem bán chủ yếu là phụ nữ có độ tuổi từ 18 – 35 tuổi, trẻ em trong độ tuổi vị thành niên. Đối tượng này chủ yếu thường sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, trình độ văn hoá thấp, nhận thức xã hội hạn chế, thiếu hiểu biết, cả tin, không có việc làm ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn hoặc do bị thương tổn, đổ vỡ trong hôn nhân, hoàn cảnh gia đình éo le, trắc trở, muốn có nhiều tiền, không có việc làm. Trẻ em bị buôn bán thường là những trẻ em lang thang, thiếu sự quan tâm, giáo dục, quản lý của gia đình hoặc bị bỏ rơi, bị bắt cóc, dụ dỗ lừa đảo đem đi bán.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em là một loại tội phạm nguy hiểm xâm hại trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ, tính mạng của phụ nữ và trẻ em, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, gây mất trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới. Vấn nạn buốn bán phụ nữ và trẻ em không những là hành vi vi phạm thô bạo đến quyền con người mà còn làm tăng đáng kể nguy cơ lây nhiễm các bệnh xã hội, HIV/AIDS trong cộng đồng, làm mất đi nguồn nhân lực lao động, gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình, cho xã hội.
Trước thực trạng gia tăng các vụ mua bán phụ nữ, trẻ em cũng như tính chất ngày càng phức tạp của loại tội phạm này. Việc tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn, vận động cộng đồng cùng các cấp, ngành tham gia công tác phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em là thật sự cần thiết.
Để phòng ngừa và từng bước ngăn chặn hoạt động của tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em trên các tuyến biên giới, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số biện pháp sau:
Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mua bán người với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng như: truyền thông trực tiếp, truyền thông thông qua các hoạt động văn hoá văn nghệ, hội thi, hội nghị tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt tổ phụ nữ,…nhằm chuyển tải nhiều thông tin tới đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt tranh thủ hiệu quả của hệ thống thông tin đại chúng làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, tạo sự ủng hộ và giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em.
Đặc biệt chú trọng tới việc tập huấn cho đội ngũ tuyên truyền viên, phóng viên biên tập viên Đài Truyền thanh huyện, Trạm truyền thanh xã, công an, phụ nữ ở các xã biên giới. Trong đó, tập trung vào nhóm phụ nữ có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của các vụ mua bán người, giúp cho chị em có nhiều thông tin về nguyên nhân, thủ đoạn, hậu quả và các biện pháp phòng, chống mua bán người để bảo vệ bản thân.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp và sự tham gia tích cực của các đoàn thể, tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc tổ chức thực hiện tốt chính sách, tạo phong trào hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán trở về.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp, xã hội hóa công tác hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân. Huy động nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về. Lồng ghép công tác hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán trở về với việc thực hiện các đề án khác của Chương trình phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và với các chương trình kinh tế - xã hội khác có liên quan như (phòng, chống tệ nạn xã hội, dạy nghề, xoá đói, giảm nghèo và việc làm…). Khuyến khích các hoạt động tự nguyện, nhân đạo. Vận động các tổ chức, cá nhân có những hoạt động thiết thực hỗ trợ cho đối tượng bị thiệt thòi.
Tăng cường các hoạt động quản lý biên giới, cửa khẩu. Chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu ở khu vực nông thôn, địa bàn giáp biên, vùng sâu, vùng xa. Tiến hành điều tra, rà soát, thống kê, phân loại đối tượng. Thiết lập hệ thống thông tin về công tác hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán trở về.
Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tiếp nhận, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán trở về cho khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở.
Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, từng bước hạn chế, ngăn chặn tình trạng buôn bán phụ nữ trẻ em qua biên giới.
Cát Tường