Nguồn rác thải sinh hoạt đang đe dọa ô nhiễm môi trường ở Tây Ninh. (Ảnh: K.V) |
Trong những năm qua, tỉnh Tây Ninh đã có nhiều chương trình, dự án để cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn đang xảy ra và trở thành thách thức đối với địa phương trong quá trình phát triển.
Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có hai sông lớn chảy qua, tuy nhiên, sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn đều đã có dấu hiệu của sự ô nhiễm. Ở sông Vàm Cỏ Đông, chất lượng nước trong những năm gần đây có dấu hiệu bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, có xu hướng tăng dần về phía hạ nguồn, đặc biệt là ô nhiễm chất hữu cơ.
Tại sông Sài Gòn, chất lượng nước được đánh giá là ít bị ô nhiễm hơn sông Vàm Cỏ Đông do thường xuyên được hồ Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn. Nhưng trong những năm gần đây, chất lượng nước sông Sài Gòn cũng đã có dấu hiệu bị ô nhiễm với mức độ ngày càng tăng. Nguyên nhân chính là do chất lượng nước tại đập chính hồ Dầu Tiếng, cửa xả kênh Đông và kênh Tây không còn tốt như trước mà đã có dấu hiệu bị ô nhiễm. Riêng chất lượng nước ngầm trên địa bàn tỉnh cũng đang có nguy cơ bị ảnh hưởng, chủ yếu là bị ô nhiễm vi sinh và có giá trị pH thấp.
Cũng theo kết quả quan trắc của ngành chức năng cho thấy, tại Tây Ninh, chỉ tiêu bụi, tiếng ồn tại một số điểm đo vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép. Đáng chú ý là ô nhiễm không khí đang xảy ra ở những khu vực tập trung dân cư, có mật độ giao thông lớn hoặc khu vực sản xuất công nghiệp.
Ngoài ra, chất thải là một trong những nguy cơ lớn đối với môi trường của tỉnh Tây Ninh hiện nay. Theo báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Tây Ninh, khối lượng rác thải sinh hoạt của tỉnh thải ra bình quân mỗi ngày là hơn là 550 tấn, với hàm lượng chất hữu cơ dễ phân huỷ chiếm khoảng 58,28%. Trong đó, lượng rác ở khu vực nông thôn cao gấp hơn bốn lần lượng rác phát sinh ở khu vực đô thị, nhưng công tác thu gom, xử lý ở các vùng nông thôn lại kém hơn rất nhiều so với các vùng đô thị.
Đối với chất thải công nghiệp, tổng lượng rác thải công nghiệp phát sinh trên địa bàn tỉnh bình quân khoảng dưới 65 tấn/ngày. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp hiện nay đã có hợp đồng với các đơn vị có chức năng xử lý rác thải để thu gom, xử lý định kỳ. Lượng chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cũng được một số doanh nghiệp ký hợp đồng thu gom với các đơn vị có chức năng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương để thu gom xử lý. Đối với nước thải công nghiệp, việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý cũng đã được quan tâm và hằng năm tỉnh có kế hoạch xử lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất.
Tuy nhiên, có thể thấy, thực tế bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cũng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đó là: việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa cao; nhiều doanh nghiệp chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý hoặc xây dựng các hệ thống xử lý chỉ mang tính chất đối phó; tiến độ triển khai các dự án đầu tư về môi trường, nhất là các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở kỹ thuật như thoát nước và xử lý nước thải chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua; việc đầu tư hạ tầng thoát nước ngoài khu, cụm công nghiệp chưa đồng bộ và không theo kịp tốc độ phát triển gây ngập úng và phát sinh nhiều điểm nóng về môi trường khó giải quyết...
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong những năm tới đây, hiện ngành chức năng của tỉnh Tây Ninh đang tiến hành thực hiện dự án “Xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng đến 2030” nhằm dự báo xu thế biến đổi và đề xuất các phương án ưu tiên bảo vệ môi trường, khai thác hợp lý tài nguyên tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.
Theo dangcongsan.vn