Tây Ninh kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ nhất (1861-1945)

Thứ năm - 01/09/2016 10:00 517 0
Năm 1859, giặc Pháp đánh chiếm Gia Định. Hưởng ứng lời kêu gọi của Nguyễn Tri Phương, nhân dân Gia Định và các vùng xung quanh đã dốc sức xây dựng Đại đồn Chí Hoà. Năm 1861, ông Lãnh binh Tòng đưa gần 300 quân đến chi viện. Vượt qua các chốt chặn của địch ở Hóc Môn, Bà Điểm, Bà Quẹo, bị tiêu hao một số quân, còn hơn phân nửa đến được Đại đồn tham gia chiến đấu. Sau khi quân Pháp phá được Đại đồn, Lãnh binh Tòng tập hợp số quân còn lại rút về Trảng Bàng. Biết thế nào quân Pháp cũng lên đánh chiếm Tây Ninh, ông lo củng cố lại lực lượng, xây dựng tuyến phòng thủ từ xa, dù vũ khí thiếu nhiều, lại không được sự chi viện của triều đình, song ông và nghĩa quân vẫn quyết tâm chống giặc đến cùng để bảo vệ quê hương.

​Quân Pháp tiến đánh Trảng Bàng, quân của Lãnh binh Tòng kháng cự quyết liệt, nhưng binh lực ít, tuyến phòng thủ ngoài xa của ông chỉ chống giữ được trong một ngày đã bị quân Pháp phá vỡ; nghĩa quân của ông đành rút vào Tha La (An Hoà, Trảng Bàng) ẩn tránh. Ông cùng hai tùy tùng ở trong nhà một hương chức theo đạo Thiên Chúa. Tại đây, ông phát hịch chiêu mộ quân đánh giặc. Công việc mới triển khai được hai ngày thì bị lộ vì có kẻ phản bội, bí mật trốn ra Trảng Bàng và chỉ điểm cho quân Pháp về An Hoà bao vây căn nhà ông đang ở. Bọn Pháp đã bắn chết vị hương chức chủ nhà và người tuỳ tùng của ông, đồng thời bắt Lãnh binh Tòng cùng một tuỳ tùng khác và đày ông đi biệt xứ ra đảo Guyane.

dongcodo.jpg

Địa điểm Bàu cỏ đỏ, tọa lạc tại ấp Gia Huỳnh, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng ngày nay. Nơi đây diễn ra trận kháng Pháp của Lãnh binh Tòng.

Năm 1861, Tây Ninh bị quân Pháp đánh chiếm, ông Khâm Tấn Tường giữ chức Tham tán Quân vụ ở Phủ Tây Ninh, đã không tuân lệnh bãi binh của triều đình, ông rút về An Cơ, chiêu mộ nghĩa quân, mua sắm vũ khí, lương thực, bám lấy địa hình thuận lợi của rừng để chống Pháp. Tổ chức xây dựng thành An Cơ có bề mặt bờ thành rộng khoảng 2m, bờ thành có chiều dài hàng mấy cây số, bao bọc một khu đất rộng, ba mặt thành dựa vào khúc cong của con rạch lớn chảy ra sông Vịnh, trên mặt tiền bờ thành cao có luỹ tre dày kiên cố. Với cách đánh, một là dùng gỗ treo trên cao cho lao xuống; hai là dùng dầu chai nấu sôi, thụt bắn dầu ra xa, được gọi là cách đánh "hoả hổ".

Quân Pháp từ Tây Ninh tấn công lên An Cơ, bị nghĩa quân Khâm Tấn Tường đánh bị thương và chết khá nhiều, buộc phải rút lui bỏ lại xác đồng bọn. Trận sau, thực dân Pháp tăng cường thêm lực lượng tinh nhuệ, tấn công nhiều mặt vào thành An Cơ, mặt sau thành do Hương trùm Hạt (ở Tầm Long), tay sai quân Pháp dẫn đường. Lần này chúng phá được thành, ông Khâm Tấn Tường không để cho giặc bắt, đã tuẫn tiết tại chỗ. Nhân dân kính phục, thương xót, đưa thi hài ông về chôn cất tại Bến Thứ và lập miếu thờ ông tại đây.

Trong quân ngũ của ông Khâm Tấn Tường còn có nhiều lãnh binh chống Pháp vô cùng oanh liệt. Tiêu biểu là Lãnh binh Két. Nhân dân ở Trảng Bàng và Bến Cầu truyền tụng nhiều về chuyện Lãnh binh Két đánh Pháp. Ở vùng Long Giang, Long Khánh... (huyện Bến cầu ngày nay) lúc bấy giờ đều là rừng, nghĩa quân của ông Lãnh binh Két đã lợi dụng rừng cây rậm rạp và đêm tối trời để tấn công các đồn giặc. Ông đưa quân bám sát và theo dõi các đồn quân Pháp, khi thấy sơ hở lập tức điều quân bất thần đột kích vào đồn, phóng hoả đốt đồn và dùng gươm giáo, mũi tên tẩm thuốc độc tiêu diệt giặc Pháp, làm cho giặc Pháp trở tay không kịp và sau đó rút lui nhanh về rừng rậm khi trời đang còn tối. Khi giặc Pháp tập trung quân truy lùng, Lãnh binh Két cho quân phân tán thành nhiều nhóm nhỏ ở trong dân, tránh đụng độ trực tiếp với giặc. Quân Pháp không tài nào phát hiện được quân của Lãnh binh Két. Cứ như thế quân của ông đã nhiều lần tập kích vào các đồn giặc đóng lẻ tẻ ở Gò Dầu, Trảng Bàng... gây cho chúng không ít tổn thất về vật chất và sinh mạng. Sau khi Lãnh binh Két mất, nghĩa quân của ông cũng không thấy hoạt động nữa.

Trong 5 năm 1861-1866, trên đất Gia Định, Biên Hoà và Định Tường có nhiều cuộc nổi dậy đánh Pháp. Nổi bật nhất là cuộc nổi dậy của Trương Định.

Sau khi Trương Định hy sinh ở rừng lá Gò Công, con của ông là Trương Quyền tiếp tục đứng lên chống Pháp. Ông đưa nghĩa quân về Tây Ninh, lập căn cứ ở Băng Dung (xã Phước Vinh, huyện Châu Thành ngày nay) và liên kết với nghĩa quân của Pô-kum-Pô, một nhà sư yêu nước Campuchia để chống thực dân Pháp.

truongtay.jpg

Địa điềm Bến Trường Đổi trên Rạch Tây Ninh, phường I, Thành phố Tây Ninh ngày nay. Nơi đây vào năm 1866, Trương Quyền đã giết tên Tỉnh Trưởng Lacolozo

Tiếp theo nghĩa quân của Trương Quyền còn có các tổ chức yêu nước khác như Thiên Địa hội do ông Hồ Văn Chư đứng đầu ở An Tịnh, Trảng Bàng; ông Nguyễn Văn Phát ở An Hoà và nhiều vị khác ở Gia Bình, Vàm Trảng... nổi lên hoạt động, nhưng không thu được kết quả gì đáng kể.

Tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của nhân dân Tây Ninh dưới sự lãnh đạo của các quan lại địa phương đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp trong toàn tỉnh, nhưng không làm xoay chuyển được tình thế, bởi so sánh tương quan lực lượng quá chênh lệch, một bên là nhân dân yêu nước đã bị triều Nguyễn giao nộp ba tỉnh miền Đông cho giặc Pháp từ năm 1862, lại phải đương đầu với đội quân viễn chinh của thực dân Pháp.

Kinh tế - xã hội Tây Ninh dưới sự cai trị của thực dân Pháp

Song song với việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Tây Ninh, thực dân Pháp lần lượt thiết lập bộ máy cai trị. Chúng đặt toà tham biện ở Trảng Bàng và Tây Ninh; xây dựng bộ máy chính quyền tay sai từ tỉnh, quận xuống tổng, xã, đưa bọn địa chủ phong kiến phản động vào bộ máy này.

thanhsanda.jpg

Thành  Săn  Đá - Doanh trại quân đội Pháp ở Tây Ninh (vị trí hiện nay là trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh).

Sau khi thiết lập bộ máy cai trị, thực dân Pháp bắt tay vào việc vơ vét khai thác tài nguyên của Tây Ninh. Nguồn lợi thiên nhiên chủ yếu của Tây Ninh lúc bấy giờ là lâm sản. Diện tích rừng chiếm phân nửa diện tích đất đai toàn tỉnh, hầu hết là rừng già. Nhiều nơi, một ha rừng có thể cho một khối lượng gỗ từ 100 đến 200m3. Khai thác gỗ ở đây rất dễ vì địa hình bằng phẳng, tiện lợi cho việc vận chuyển.

rungtayninh.jpg

Đội thợ rừng Tây Ninh năm 1900.

Thực dân Pháp thấy rõ nguồn lợi kinh tế nói trên, đã thiết lập ngay bộ máy kiểm lâm đồ sộ và chặt chẽ. Ở tỉnh có Sở Kiểm lâm, bên dưới chia thành 7 Quận Kiểm lâm với nhiều Đồn Kiểm lâm. Ở mỗi Quận Kiểm lâm có một sếp quận thường gọi là "Quan lớn Kiểm" cùng một số viên chức có nhiệm vụ cấp giấy phép khai thác và thu thuế các loại lâm sản. Mỗi Đồn Kiểm lâm thường có một tên đội, chuyên theo dõi, bắt giữ, phạt vạ những người làm rừng sai quy cách hoặc ăn tiền đút lót của những người làm rừng trái phép.

Cùng với việc khai thác lâm sản, thực dân Pháp còn bao chiếm nhiều đất đai, lập các đồn điền cao su. Năm 1906, Công ty Cao su Đông Dương (S.I.P.H) được thành lập. Công ty này chiếm đất lập ra hàng loạt đồn điền cao su, trong đó có đồn điền Cao su Bến Củi. Công ty Cao su Tây Ninh thành lập năm 1913, có trụ sở ở Sài Gòn, hoạt động của công ty là kinh doanh đồn điền cao su ở Tây Ninh, với các đồn điền Cao su Vên Vên, Trà Võ, Hiệp Thạnh, Cầu Khởi.

dondiencaosu.jpg

Đồn điền Cao su Bến Củi - thời Pháp.

Một số tư sản người Pháp được sự bao che của chính quyền thực dân cũng bao chiếm đất lập ra một số đồn điền cao su khá lớn như: sở Arnault (xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu), sở Oconell (xã Thanh Điền, Châu Thành), sở Sina (xã Phước Thạnh, Gò Dầu), sở Francini (Châu Thành), sở Servin (xã Thái Bình, Châu Thành). Địa chủ người Việt cũng có một số sở cao su nhỏ từ 15 - 20 ha, như: ở An Tịnh có 13 sở, Lộc Hưng 16 sở, Gia Lộc 20 sở. Từ Thanh Phước, Phước Thạnh đến Bàu Đồn, đông tây lộ 19,26 cho đến Cầy Xiêng, Thanh Điền, Thái Bình, Đôn Thuận ngày nay đều có trồng cao su.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, nhiều đồn điền cao su lớn nhỏ ra đời trên địa bàn Tây Ninh, kèm theo các xưởng chế luyện cao su Vên Vên, Bến Củi được xây dựng; từ đó, xuất hiện công nhân đồn điền cao su. Khoảng giữa năm 1936, khi các đồn điền cao su mở rộng đến 8.622 ha, số công nhân tăng lên đến 3.500 người bán công bán nông và 1.550 công nhân chuyên nghiệp. Đội ngũ công nhân cao su bị chính quyền thuộc địa và bọn chủ tư bản bóc lột tàn tệ, mỗi ngày làm việc từ 10 đến 14 giờ, đời sống vô cùng cơ cực, cơm ăn không đủ no, quần áo rách rưới, chỗ ở chật chội, nóng bức, bẩn thỉu, ốm đau không có thuốc uống, không được đi điều trị ở bệnh viện, hết hạn hợp đồng cũng không thể trở về quê nhà. Không những thế, bọn chủ và sếp cai còn trút lên đầu họ roi vọt, tra tấn nếu bỏ trốn.

thoiphap.jpg

Công nhân cao su đang làm việc tại hãng Michelin - Tây Ninh năm 1920.

Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nền kinh tế Tây Ninh xuất hiện một số cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp như xưởng chế biến mía đường Thanh Điền, nhà máy đèn, nhà máy nước, cơ sở xay xát gạo, trại cưa, lò rèn, lò gốm, lò than, che ép mía, bọng ép dầu... Theo đó, bắt đầu xuất hiện một thành phần xã hội mới là công nhân làm thuê, lúc đầu số lượng không nhiều, có khoảng trên dưới 1.000 người, trong đó hơn 2/3 là bán công.

xelua.jpg

Một góc Hãng đường Pháp ở Thanh Điền, Châu Thành.

Tây Ninh lúc đó là nơi đất rộng người thưa. Nông dân chiếm trên 80% dân số, là những người trực tiếp khai vỡ đất đai, nhưng không được làm chủ mảnh đất của mình, vì đất mới nhiều phèn khó canh tác, một số ruộng tốt đều tập trung trong tay bọn địa chủ, công chức kiêm địa chủ, thương gia kiêm địa chủ. Do đó, người nông dân Tây Ninh dưới thời Pháp thuộc cũng bị bóc lột hết sức nặng nề thông qua các hình thức thuế khoá rất hà khắc và dã man.

Thuế là nguồn thu chính cho ngân sách toàn Đông Dương và Nam kỳ cũng như ngân sách tỉnh, vì vậy chúng đặt ra đủ loại thuế: thuế điền thổ, thuế nhà cửa, thuế trâu bò, thuế môn bài và cả đến thuế người gọi là thuế thân (còn gọi là thuế đinh hoặc sưu, loại thuế đánh vào đàn ông từ 18 đến 60 tuổi). Thống đốc Nam kỳ quy định mức thuế hàng năm tỉnh phải nộp cho ngân sách chung thường là rất nặng, đồng thời cho phép nếu không thu đủ thì tăng thuế, thậm chí tạo thêm các loại thuế mới để thu.

Đi đôi với vơ vét bóc lột kinh tế, bọn thống trị còn thực hiện chính sách ngu dân, đầu độc văn hoá. Toàn tỉnh chỉ có ba trường tiểu học hoàn chỉnh với khoảng 400 học sinh, hầu hết là con em của tầng lớp trên, ở xã chỉ có một lớp vỡ lòng hoặc lớp một, nhưng xã có, xã không. Vài ba xã mới có chung một trường dạy lớp ba. Do vậy, con em nhân dân lao động hầu như chịu cảnh mù chữ hoặc chỉ biết đọc, biết viết. Ngược lại, rượu "Phông-ten" được nhà nước thực dân khuyến khích dân uống, đại lý bán lẻ ở khắp nơi. Tệ nạn cờ bạc, mê tín dị đoan tràn lan khắp xóm ấp, chỗ nào cũng có sòng bạc ngày đêm sát phạt lẫn nhau.

Thực hiện chính sách chia để trị, thực dân Pháp gây tâm lý hận thù dân tộc giữa người Việt và người Khmer, người Chăm, gieo rắc tư tưởng khinh bỉ, kỳ thị, phân biệt đối xử với các dân tộc ít người. Ngoài ra chúng còn lợi dụng tính chất phác của người Khmer, người Chăm mà thẳng tay vơ vét, bóc lột, đẩy họ vào cảnh sống quanh năm cơ cực, lầm than.

Dưới sự thống trị của thực dân Pháp, xã hội Tây Ninh có sự phân hóa thành các giai tầng rõ rệt. Trong đó, công nhân và nông dân là thành phần chủ yếu, ngoài ra còn có các tầng lớp tư sản, địa chủ, trí thức, tiểu tư sản thành thị.



Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây