Hướng tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954–7/5/2014). Tiếp tục giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, của Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại; nêu cao lòng tự hào dân tộc, lòng dũng cảm, ý chí cách mạng tiến công, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh thời kỳ xây dựng và bảo vệ quê hương, tổ quốc. Tây Ninh vừa phát động cuộc thi viết tìm hiểu Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ với chủ đề “Âm vang Điện Biên”
Ban tổ chức yêu cầu công tác triển khai, vận động cuộc thi đảm bảo tính tích cực, có trách nhiệm để đạt chất lượng, hiệu quả cao, tránh hình thức. Lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các địa phương cần quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện tốt nhất để cuộc thi nhận được sự tham gia của tầng lớp nhân dân trong tỉnh – nhất là tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên và cán bộ chiến sĩ.
Cuộc thi phải khơi dậy lòng tự hào dân tộc, giáo dục đạo đức cách mạng, tinh thần yêu nước, yêu quê hương trong nhân dân, đặc biệt là lực lượng thanh thiếu niên và đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức. Từ đó học tập, rèn luyện, góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đối tượng dự thi là các tập thể, cá nhân, cán bộ, công nhân, viên chức, công chức, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên và nhân dân đang công tác, học tập và sinh sống trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đối với các thành viên trong Ban tổ chức, Ban Giám khảo, Tổ Thư ký cuộc thi không được gửi bài tham gia dự thi.
Bài dự thi trả lời đủ 05 câu hỏi do Ban Tổ chức soạn thảo, trình bày dưới hình thức bài viết và ảnh minh họa (nếu có). Bài dự thi sử dụng ngôn ngữ Tiếng Việt, được viết tay hoặc đánh máy và đóng thành tập, trình bày rõ ràng, sạch đẹp, trả lời đầy đủ câu hỏi do Ban Tổ chức đưa ra theo thứ tự. Riêng câu số 5 dưới dạng câu hỏi mở, viết cảm nghĩ của bản thân người dự thi không quá 1000 từ.
Bài dự thi viết trên giấy, cùng màu mực, hoặc đánh máy, in trên giấy A4, font chữ Times Roman, cỡ chữ 14, đánh số trang theo thứ tự. Có thể sử dụng hình ảnh tư liệu minh họa phù hợp với nội dung bài dự thi, có chú thích phía dưới ảnh. Khuyến khích bài dự thi viết tay. Bài dự thi phải ghi rõ họ và tên, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ, số điện thoại người dự thi. Bài dự thi không hợp lệ sẽ bị loại ngay từ vòng sơ khảo gồm: Bài photocopy; bài viết tay không cùng một màu mực; bài đánh nhiều font chữ khác nhau; Bài dự thi không ghi rõ họ tên, địa chỉ người dự thi; những bài thi có nội dung trả lời hoàn toàn giống nhau; bài dự thi không gửi đúng thời gian qui định (tính theo dấu bưu điện).
Cuộc thi chính thức bắt đầu từ ngày ra thông báo đến hết ngày 14/3/2014. Căn cứ theo dấu Bưu điện. Ban tổ chức dự kiến tổng kết và trao giải thưởng vào tháng 04/2014.
Mọi bài dự thi xin gửi về địa chỉ: Thư viện các huyện, thị xã hoặc Thư viện tỉnh Tây Ninh, số 083 đường Phạm Tung, Phường 3 Thị xã Tây Ninh – ĐT: 0663. 827099 – 0663.815419. Đối với bài dự thi gửi qua đường Bưu điện phải dán tem, ghi rõ: Bài dự thi tìm hiểu Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chủ đề “Âm vang Điện Biên”.
Cơ cấu giải thưởng: Tập thể: 01 giải nhất: Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh (kèm theo tiền thưởng), 02 giải nhì: Giấy khen của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (kèm theo tiền thưởng), 03 giải ba: Giấy khen của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (kèm theo tiền thưởng); 05 giải khuyến khích: Giấy khen của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (kèm theo tiền thưởng).
Cá nhân: 01 giải nhất: Giấy khen của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (kèm theo tiền thưởng); 02 giải nhì: Giấy khen của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (kèm theo tiền thưởng); 05 giải ba: Giấy khen của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (kèm theo tiền thưởng); Ngoài ra BTC trao 01 giải dành cho thí sinh nhỏ tuổi nhất: Giấy khen của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (kèm theo tiền thưởng); 01 giải dành cho thí sinh lớn tuổi nhất: Giấy khen của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (kèm theo tiền thưởng).
Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - một mốc son chói lọi trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Câu hỏi cuộc thi:
Câu 1: Bạn hãy cho biết, Bộ Chính trị đã chính thức hạ quyết tâm tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào thời gian nào? Bộ chỉ huy chiến dịch gồm những đồng chí nào? Chiến dịch diễn ra trong bao nhiêu ngày? Bắt đầu và kết thúc vào ngày tháng năm nào?
Câu 2: Vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong việc quyết định thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Bạn hãy cho biết quyết định chuyển từ cách “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” được Đại tướng quyết định ở đâu, trong thời điểm nào? Ý nghĩa của cách “đánh chắc, tiến chắc”?
Câu 3: Chiến dịch Điện Biên Phủ được tiến hành làm mấy đợt? Hãy tóm tắt diễn biến các đợt tiến công trong chiến dịch Điện Biên Phủ? quân và dân ta đã giành được những kết quả gì? Ý nghĩa và tầm vóc thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ?
Câu 4: Trong bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu, có đoạn
“…Những đồng chí, thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt, còn ôm…”
Bạn hãy cho biết, tác giả đã nhắc đến những vị anh hùng nào trong chiến dịch Điện Biên Phủ? Hãy kể chiến công vang dội của những anh hùng đó?
Câu 5: Hãy nêu cảm xúc của ban đối với vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp và bản thân bản phải làm gì để phát huy tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng của Điện Biên Phủ vào công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay? (bài viết về cảm nghĩ của bản thân không quá 1000 từ).
MN