Theo thông báo kết luận, công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy được Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực. Các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua đạt nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội của cả nước. Tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy không chỉ liên quan đến sức khỏe, giống nòi dân tộc mà còn là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới phạm tội, làm mất trật tự và an toàn xã hội. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy và quản lý người nghiện ma túy là hết sức nặng nề, cấp thiết, cần có sự chỉ đạo đồng bộ, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn xã hội.
Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp, số người nghiện có hồ sơ quản lý tăng gần 4 lần trong 20 năm qua, kinh phí và nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy giảm mạnh, kết quả công tác cai nghiện hiệu quả chưa cao.
Luật xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua với những quy định đổi mới về xử lý, quản lý người nghiện ma túy, đã thể hiện quan điểm mới, đề cao tính nhân đạo, tôn trọng quyền con người đối với người nghiện ma túy, được dư luận quốc tế đánh giá cao. Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành các văn bản quy định chi tiết và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện đã bộc lộ một số vướng mắc, khó khăn về thực hiện trình tự thủ tục, quản lý người nghiện ma túy, đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhất là các đối tượng không có nơi cư trú ổn định, người nghiện ma túy ngoài cộng đồng gia tăng làm mất trật tự, an toàn xã hội, khiến dư luận xã hội bức xúc.
Để khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tồn tại trong công tác cai nghiện ma túy và quản lý người nghiện ma túy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiến hành sơ kết, tổng kết công tác này, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá nghiêm túc nguyên nhân và trách nhiệm, bổ sung những chỉ đạo, giải pháp mới, phù hợp với thực tế; bảo đảm hiệu quả hơn. Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn theo quy định; tăng cường rà soát, nắm chắc số liệu người nghiện, đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống ma túy, đổi mới công tác cai nghiện, đẩy mạnh chương trình điều trị Methadone; rút ngắn thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để rút ngắn thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tham khảo cách làm của Thành phố Hà Nội để phê duyệt chuyển đổi một số cơ sở cai nghiện bắt buộc thành cơ sở cai nghiện tự nguyện hoặc một phần tự nguyện; đẩy mạnh tuyên truyền vận động và hỗ trợ người nghiện tự nguyện đi cai nghiện.
MN