Thủ tướng Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp, địa phương tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong đại dịch Covid-19

Thứ hai - 09/08/2021 10:00 166 0
Sáng ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

HopTT8-8-1.jpg

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh

 HopTT8-8-2.jpg

Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh tham dự hội nghị

Tại tỉnh Tây Ninh, hội nghị được trực tuyến tại nhiều điểm cầu với sự tham dự của đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và các doanh nghiệp, hiệp hội tiêu biểu trên địa bàn.  

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông những khó khăn chồng chất khó khăn của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Chính vì vậy, trong khả năng của mình, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đã rất cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức và cần có giải pháp tháo gỡ để phục hồi sản xuất. Hội nghị này là dịp quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tinh thần chung là phải đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp; phân tích kỹ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và tìm cho được các giải pháp tháo gỡ cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong tình hình cấp bách hiện nay cũng như lâu dài. Chúng ta cố gắng chia thành nhóm vấn đề để giải quyết cụ thể và toàn diện.

 HopTT8-8-3.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. (ảnh: chinhphu.vn)

Thủ tướng bày tỏ, đánh giá rất cao và cảm ơn các doanh nghiệp có mặt trong Hội nghị và các doanh nghiệp trên toàn quốc mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đã cố gắng “chung tay, góp sức” hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn, hỗ trợ cho cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Thủ tướng nêu rõ Hội nghị cần tập trung “Đánh giá - Giải pháp - Thiết thực - Hiệu quả”. Thời gian tới, Chính phủ sẽ có phương án gặp doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, từng nhóm ngành nghề để bàn sâu hơn, có giải pháp phù hợp hơn. Chính phủ luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ doanh nghiệp lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu như tình hình đăng ký doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 còn có nhiều điểm sáng, thì trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021, số liệu về tình hình doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường cho thấy những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong đợt bùng phát thứ tư đã gây ra tác động tiêu cực lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh và phát triển của các doanh nghiệp.

Trong 7 tháng năm 2021, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục có xu hướng gia tăng, với 79.673 doanh nghiệp, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 40.251 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm 2021, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có quy mô vừa và lớn tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy, xây dựng, và công nghiệp chế biến, chế tạo. Tính riêng Thành phố Hồ Chí Minh, trong 7 tháng đầu năm 2021 có 23.199 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (chiếm 29,1% số doanh nghiệp rút lui của cả nước), tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là kỷ lục về số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh trong 7 tháng đầu năm tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021.

Tuy nhiên, đáng mừng là, tính chung 7 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 373,36 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5%; nhập khẩu đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3%. Cán cân thương mại 7 tháng năm 2021 ước tính nhập siêu 2,7 tỷ USD, chiếm 0,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chiếm tỉ trọng cao (73,8%) trong kim ngạch xuất khẩu.

Khi dịch bệnh căng thẳng, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã chủ động có giải pháp tự cứu mình. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh, cụ thể như: áp dụng giờ làm linh hoạt; tổ chức cho cán bộ công nhân ở lại tại nhà máy để sản xuất đáp ứng thời hạn đơn hàng; chủ động cắt giảm chi phí sản xuất; tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế…

Trong 7 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 105,4 nghìn doanh nghiệp (tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước), trung bình mỗi tháng có gần 15,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Khu vực doanh nghiệp nhà nước cơ bản hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, duy trì việc làm ổn định cho người lao động. Khu vực doanh nghiệp FDI tiếp tục đóng góp lớn cho xuất khẩu. Số lượng các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới tiếp tục gia tăng, trong 7 tháng đầu năm 2021.

Qua phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước, có 8 nhóm vấn đề khó khăn chủ yếu mà doanh nghiệp đang phải đối diện. Đó là, tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm; doanh thu giảm mạnh; dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến rất khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất…

Điểm đáng lưu ý trong các kiến nghị các đoanh nghiệp đều nhấn mạnh đến vấn đề đơn giản hóa các thủ tục, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách phòng, chống dịch trên toàn quốc; tính công minh và thái độ phục vụ sát cánh cùng doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ cấp thực thi. Đây là điều doanh nghiệp mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là các hỗ trợ bằng tiền.

TT


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây