Chiều 1.8, tại hội trường UBND tỉnh, đoàn công tác Bộ Y tế do GS.TS Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn; tập trung kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 nhằm đề ra các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời cho tỉnh Tây Ninh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho tỉnh Tây Ninh.
Dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp
Báo cáo về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nguyễn Văn Cường cho biết, từ khi phát sinh dịch đến ngày 31.7.2021, Tây Ninh ghi nhận 1.827 trường hợp mắc Covid-19, trong đó, đang điều trị 1.556 ca. Hiện tỉnh thiết lập 86 khu cách ly với công suất 9.947 người; mở rộng các cơ sở điều trị bệnh nhân phân tầng theo triệu chứng bệnh với công suất 4.760 giường, có thể mở rộng quy mô giường theo tình hình thực tế tại địa phương.
Ðể kiểm soát tình hình dịch bệnh, tỉnh đã triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 18.7.2021 và gia hạn thêm 14 ngày từ ngày 31.7.2021, tiếp tục thực hiện gia đình cách ly với gia đình, ấp/khu phố cách ly với ấp/khu phố, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện. Song song đó, tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo tình hình của từng địa phương: ngăn chặn dịch xâm nhập, khai báo y tế, xét nghiệm tầm soát, thực hiện 4 tại chỗ, ứng dụng công nghệ thông tin vào xét nghiệm…
Tỉnh đã triển khai 3 đợt tiêm vaccine phòng Covid-19. Trong thời gian tới, tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể tiêm 76.650 liều vaccine đã được phân bổ đợt 4 cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 3355 của Bộ Y tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc nhận định, Tây Ninh còn hạn chế về năng lực lấy mẫu và xét nghiệm nên công tác kéo giảm dịch Covid-19 còn chậm. Trong khi chờ kết quả xét nghiệm PCR, các Ban Chỉ đạo địa phương triển khai nhanh công tác khoanh vùng, rà soát, truy vết các đối tượng tiếp xúc gần với F0, đặc biệt trong các khu công nghiệp. Tỉnh đã và đang cố gắng kiểm soát dịch bệnh để chờ triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine, tiến đến miễn dịch cộng đồng.
Sau 2 tuần giãn cách xã hội, Tây Ninh cố gắng triển khai công tác thu dung, điều trị vượt công suất rất nhiều lần so với bình thường để kiểm soát dịch bệnh. Công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19 còn gặp khó khăn, vì vậy, tỉnh đang cố gắng điều trị tốt cho các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, hạn chế bệnh nhân chuyển nặng.
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Tây Ninh hiện còn thiếu về vật tư y tế do chưa tìm được nguồn cung cấp, kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế; đồng thời mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia y tế trong việc chuyển giao kinh nghiệm điều trị, tập huấn công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho tỉnh.
Xây dựng phương án chống dịch theo phân loại vùng xanh, vàng, đỏ
Ðánh giá tình hình dịch bệnh ở Tây Ninh, đại diện Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đề nghị tỉnh có phương án chống dịch phù hợp theo phân loại vùng dịch xanh, vàng, đỏ. Trong đó, các vùng xanh nguy cơ thấp có thể cho các F1 cách ly tại nhà. Cục đề nghị tỉnh phân loại các cơ sở điều trị theo từng cấp độ triệu chứng, dựa trên các tiêu chuẩn năng lực điều trị, cơ sở vật chất y tế. Ðồng thời đề nghị tỉnh thống kê số lượng trang thiết bị y tế để xây dựng các phương án dự trù mua sắm cụ thể, kịp thời phân bổ cho các cơ sở điều trị khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Ðại diện Cục Quản lý môi trường y tế đề nghị tỉnh triển khai nghiêm túc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tăng cường lực lượng y tế, kiểm soát dịch bệnh ở các huyện, thị xã có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, như huyện Dương Minh Châu, thị xã Trảng Bàng; đồng thời tăng cường các biện pháp ngăn chặn sự xâm nhập dịch bệnh từ các địa phương vào tỉnh.
Về công tác tầm soát trong khu công nghiệp, theo đại diện Cục Quản lý môi trường y tế, tỉnh cần kiểm soát chặt mô hình “3 tại chỗ”, không cho nguồn dịch xâm nhập vào doanh nghiệp. Ðề nghị tỉnh thành lập tổ kiểm tra giám sát phòng lây nhiễm chéo ở khu cách ly tỉnh, huyện, thị xã để kiểm soát tình hình, hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo; thiết lập đường dây nóng và tổ phản ứng nhanh ở các khu công nghiệp để kịp thời ứng phó khi có tình hình dịch bệnh xảy ra; có biện pháp dự phòng điều trị các trường hợp điều trị có triệu chứng nặng.
Ðại diện Cục Y tế dự phòng nhận định, trong thời gian tới, số ca nhiễm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh sẽ còn tiếp tục tăng. Vì vậy, tỉnh cần đẩy mạnh công tác truy vết và năng lực xét nghiệm để nâng cao năng lực phòng, chống dịch trong thời gian tới; tập trung mọi nguồn lực để trang bị thiết bị y tế hỗ trợ công tác tầm soát, nhanh chóng rà soát ca nhiễm, tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Ðại diện Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá công tác xét nghiệm tại Tây Ninh còn hạn chế về năng lực, lực lượng xét nghiệm chưa đáp ứng yêu cầu, phải cố gắng nâng cao năng lực xét nghiệm, trong thời gian tới đạt mục tiêu 5.000 mẫu/ngày; tăng cường lực lượng xét nghiệm ngoài ngành Y tế như: sinh viên tình nguyện, lực lượng quân đội... Ðẩy mạnh kế hoạch tầm soát diện rộng ở các địa phương có nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tỉnh xây dựng hệ thống điều trị ở các phân tầng điều trị cấp huyện, thị xã, nhất là hệ thống cung cấp oxy cho bệnh nhân có triệu chứng nặng; hệ thống xét nghiệm sinh hoá, cơ số thuốc cho bệnh nhân.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Tây Ninh.
Nâng cao năng lực truy vết và xét nghiệm, khẩn trương thành lập trung tâm hồi sức cấp cứu icu
Sau khi nghe báo cáo của tỉnh và các nhận xét, đóng góp ý kiến của các Vụ, Cục, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định, nguy cơ dịch bệnh tại Tây Ninh rất cao. Tỉnh phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện hiệu quả công tác chống dịch. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thực hiện chặt chẽ hơn Chỉ thị 16/CT-TTg, tăng cường “4 tại chỗ”, cải thiện cơ sở hạ tầng các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến. Tranh thủ thời gian giãn cách xã hội để truy vết, xét nghiệm, phát hiện và đưa F0 ra khỏi cộng đồng. Nâng cao năng lực truy vết và xét nghiệm, đặc biệt là xét nghiệm PCR. Xây dựng chiến lược xét nghiệm phù hợp với các vùng nguy cơ cao. Chuẩn bị mua sắm các trang thiết bị y tế, nhất là kit test nhanh kháng nguyên. Tăng cường kiểm soát các khu cách ly, hạn chế lây nhiễm chéo. Thí điểm cách ly F1 tại nhà.
Ðối với các khu công nghiệp, cần kiểm soát chặt chẽ thực hiện “3 tại chỗ”, nếu không an toàn thì không cho sản xuất; xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho công nhân.
Trong công tác điều trị, cần khẩn trương thành lập Trung tâm Hồi sức cấp cứu ICU tối thiểu 300 giường. Tập trung xác định rõ mức độ nặng, nhẹ và trung bình để phân tầng và chuyển tầng phù hợp, đặc biệt lưu ý tỉnh cần bảo đảm nguồn oxy cung cấp cho các trường hợp triệu chứng nặng. Tiếp tục xây dựng và triển khai các kế hoạch chi tiết về tiêm vaccine phòng Covid-19 với tinh thần hiệu quả, an toàn, đúng đối tượng.
Dịp này, Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh Tây Ninh 5 máy thở chức năng cao, 2 hệ thống oxy dòng cao HFNO, 5.000 khẩu trang, 60.000 test nhanh kháng nguyên. Ðồng thời cho các chuyên gia hỗ trợ tỉnh về công tác xét nghiệm, truy vết, tầm soát... Cử chuyên gia của Bộ đến tỉnh hỗ trợ tập huấn cho các lực lương y tế tham gia phòng, chống dịch.
Tiếp nhận những ý kiến đóng góp của đoàn công tác Bộ Y tế đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc khẳng định, Tây Ninh sẽ nỗ lực nâng cao năng lực thu dung, điều trị, tầm soát trong cộng đồng và chỉ đạo các địa phương, sở, ngành áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ chỉ đạo để nhanh chóng khống chế, kiểm soát được dịch bệnh trong thời gian tới.
Theo baotayninh.vn