Trong 6 tháng đầu năm, với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, đổi mới của Chính phủ, sự hưởng ứng tích cực và tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp và các tầng lớp Nhân dân, việc thực hiện các nhiệm vụ triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả tích cực: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng GDP ước đạt 7,08% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế và an sinh xã hội đạt nhiều kết quả; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường.
Những thành tựu đó có sự đóng góp quan trọng của công tác thi đua khen thưởng, nhất là thông qua các cuộc vận động, phong trào cụ thể gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là của mỗi cá nhân.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu công tác thi đua khen thưởng 6 tháng cuối năm cần bám sát nhiệm vụ chính trị, góp phần thực hiện đồng bộ các mục tiêu, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 và các Nghị quyết của Chính phủ.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc và để triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2018. Gắn phong trào thi đua với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thi đua, khen thưởng phải gắn với việc giải quyết các vấn đề lớn, bức xúc, cấp thiết của xã hội, cộng đồng, lĩnh vực, ngành; những việc làm tốt, sáng kiến tốt phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng quy định, thực chất, tránh tràn lan. Tăng cường chủ động phát hiện, xem xét, đánh giá và khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, nhất là những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, người lao động trực tiếp, công nhân, nông dân, chiến sĩ.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sự tham gia tích cực của các cơ quan truyền thông làm lan tỏa các phong trào thi đua, phát hiện để kịp thời biểu dương, động viên, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong lao động, sản xuất, học tập, các tấm gương dũng cảm cứu người, cứu nạn, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... Công tác thi đua khen thưởng phải thực sự góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống tốt đẹp, văn minh hơn.
Công tác xét tặng Giải thưởng và Danh hiệu vinh dự Nhà nước cần được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động này.
Tập trung xây dựng Nghị định quy định việc quản lý xét tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời có giải pháp để bảo đảm hoạt động tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng được thực hiện chặt chẽ, không để xảy ra sai phạm.
Yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi; tập trung xây dựng Dự án Luật, trong đó lưu ý ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện thời gian qua; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, các ban của Đảng, tập trung xây dựng, hoàn thiện Đề án sửa đổi, bổ sung về xét tặng Huân chương bậc cao.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tập trung giải quyết dứt điểm khen thưởng thành tích kháng chiến, phong tặng, truy tặng danh hiệu "" trên cả nước. Nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7), cần làm tốt công tác này để tri ân sự hy sinh, cống hiến của những người đã vì nước quên thân, làm dịu nỗi đau mất mát của thân nhân, chăm lo tốt hơn cho các gia đình chính sách./.
Thái Thành