Đầu tiên là đa dạng hóa hình thức, đổi mới nội dung, xác định các đối tượng ưu tiên để tuyên truyền, giáo dục; đưa nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vào chương trình đào tạo các cấp học phổ thông, đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý. Phổ biến kinh nghiệm, xây dựng năng lực, kỹ năng phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu cho mọi người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trồng cây xanh góp phần bảo vệ môi trường |
Ủy ban nhân dân tỉnh cũng vừa ban hành Phương án phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng trên địa bàn tỉnh. Phương án thực hiện với 3 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn ứng phó ngập úng và giai đoạn khắc phục. Theo đó, tại giai đoạn ứng phó ngập úng Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xử lý bảo đảm an toàn, không để phát tán nguồn ô nhiễm, chất độc hại (hóa chất, xăng dầu, rác thải...) ra môi trường và xử lý khi có sự cố môi trường xảy ra.
Một nội dụng tiếp theo là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo dư luận xã hội lên án và thống nhất nhận thức về việc phải xử lý nghiêm các hành vi sử dụng lãng phí tài nguyên, đốt phá rừng, gây ô nhiễm môi trường, săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã.
Nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và mọi người dân. Xây dựng tiêu chí, chuẩn mực về bảo vệ môi trường trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên. Hình thành các thiết chế văn hóa, đạo đức môi trường trong xã hội. Thực hiện đánh giá, phân hạng về môi trường đối với các ngành, huyện/ thành phố.
Các nội dung trên được tỉnh đề ra rõ ràng, cụ thể, ngắn gọn. Nhưng việc tổ chức thực hiện sao cho đạt kết quả theo kế hoạch là quan trọng hơn cả. Chỉ có tổ chức thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp, trong đó có tuyên truyền, giáo dục tỉnh Tây Ninh mới có thể chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tốt tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Hoàng Mai