Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện dự thảo Quyết định và Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 8 này.
Trong đó, cần xác định rõ phạm vi, đối tượng chịu tác động của Kế hoạch và rà soát các đối tượng thuộc Danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đồng thời làm rõ mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch, phấn đấu không để phát sinh mới các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó gắn trách nhiệm cụ thể cho các chủ thể quản lý nhà nước là các bộ, ngành và địa phương.
Bên cạnh đó, rà soát việc phân công trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ và bao quát các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện, giao nhiệm vụ để các bộ, ngành, địa phương chủ động đề xuất các cơ chế tài chính, chính sách hỗ trợ cho từng dự án cụ thể trong quá trình thực hiện Kế hoạch.
Kế hoạch cũng cần xác định rõ Ban Chỉ đạo liên ngành có trách nhiệm xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên việc triển khai Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau 10 năm thực hiện Quyết định số 46/2003/QĐ-TTg với mục tiêu tập trung xử lý gần 5.000 cơ sở ô nhiễm môi trường được rà soát, thống kê đến thời điểm đó, đến nay, phần lớn các cơ sở ô nhiễm môi trường đã được xử lý triệt để, góp phần giảm đáng kể các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Có 378 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng đã hoàn thành các biện pháp xử lý. TPHCM đã di dời 1.261/1.402 cơ sở gây ô nhiễm, TP. Hà Nội xây dựng kế hoạch di dời 400 cơ sở.
Thời điểm hiện tại, trong số 3.856 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng được thống kê, còn 279 cơ sở vẫn đang trong quá trình tiến hành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở khác đang trong quá trình rà soát, đánh giá về mức độ gây ô nhiễm.
Theo chinhphu.vn