Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu nông thôn mới

Thứ ba - 01/10/2013 00:00 49 0
Xây dựng vùng nông thôn tỉnh Tây Ninh vừa có cơ sở hạ tầng hiện đại, đảm bảo yêu cầu sản xuất và đời sống nhân dân; vừa ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, bảo tồn phát huy giá trị văn hoá truyền thống và giữ gìn bản sắc dân tộc.

 

 

Nội dung xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020 của tỉnh được căn cứ vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020 (theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ) và Bộ Tiêu chí quốc gia (theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ).

Quan điểm chung của lãnh đạo tỉnh là: Xây dựng nông thôn mới cần được giải quyết đồng bộ, đặt trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh đến năm 2020 và điều kiện riêng của từng huyện, thị xã.

Xây dựng vùng nông thôn tỉnh Tây Ninh vừa có cơ sở hạ tầng hiện đại, đảm bảo yêu cầu sản xuất và đời sống nhân dân; vừa ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, bảo tồn phát huy giá trị văn hoá truyền thống và giữ gìn bản sắc dân tộc. Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp, hài hoà giữa thiên nhiên với con người. Phát huy sức mạnh của mọi nguồn lực xã hội, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường của nhân dân là chính, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước, tăng vốn ngân sách đầu tư cho nông thôn. Thống nhất sự tập trung chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp bảo đảm hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới là chỉnh trang lại vùng nông thôn trên cơ sở kế thừa và phát huy những công trình hạ tầng kinh tế - xã hội hiện có, những công trình đã có gần đạt chuẩn tiêu chí thì giữ nguyên, chỉ đầu tư nâng cấp khi có điều kiện; những công trình mang tính văn hoá dân tộc thì cần phải bảo tồn, tránh phá những công trình hiện có để xây dựng lại mới và tránh đô thị hoá toàn bộ nông thôn để giữ gìn nét văn hoá đặc trưng. Đó là một trong những vấn đề cần quan tâm trong xây dựng nông thôn mới.

Xác định rõ công tác xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu là khâu đột phá quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là ở các xã điểm. Đến nay toàn tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng mới trên 1.700 hạng mục công trình thiết yếu, kinh phí đầu tư khoảng 1.436 tỷ đồng, gồm 379 km đường giao thông nông thôn, nạo vét và kiên cố hoá trên 30 km kênh mương nội đồng, nâng cấp 162,4 km đường dây điện trung thế, hạ thế, xây dựng mới 48 trạm y tế xã, 02 trung tâm văn hoá xã và 03 công trình văn hoá ấp, 03 chợ nông thôn từ nguồn vốn Chương trình 160, xây dựng 2.828 căn nhà theo Chương trình 167, sửa chữa nâng cấp 13 công trình cấp nước sạch tập trung.

Cùng với sự đầu tư của ngân sách nhà nước, công tác xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã được cộng đồng nhiệt tình hưởng ứng đã xuất hiện nhiều cách làm mới trong thực hiện tiêu chí giao thông nông thôn ở xã An Tịnh (huyện Trảng Bàng), chính quyền xã cùng với nhân dân nâng cấp thí điểm 2 tuyến đường ấp An Khương và đường ấp Bàu Mây bằng vật liệu đá 0-4 (trị giá 100 triệu đồng/km) để giảm chi phí đầu tư, đây là cách làm hay có thể vận dụng nhân rộng ra các xã khác. Có nhiều cá nhân, gia đình đóng góp kinh phí, tự nguyện hiến đất và góp công lao động, các gương điển hình là ông Đặng Hữu Nghĩa hỗ trợ 8 tỷ đồng xây dựng trường mầm non xã Hiệp Tân (huyện Hoà Thành), ông Trần Văn Ngon xã Tân Hoà (huyện Tân Châu) hiến 4.800 m2 đất xây dựng Nhà văn hoá ấp Cây Khế; ông Trần Phong Ảnh ủng hộ 670 triệu đồng xây dựng cầu nông thôn tại xã Trà Vong (huyện Tân Biên), ông Lý Văn Ấn ủng hộ 500 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn xã Hiệp Tân (huyện Hoà Thành), họ đạo Sen Hồ, giáo xứ Phong Cốc xã Thái Bình (huyện Châu Thành) vận động giáo dân hiến đất và bê tông 12 tuyến đường trị giá trên 1 tỷ đồng, họ đạo Cao Đài xã Phước Trạch (huyện Gò Dầu) vận động chức sắc, đạo hữu và nhân dân bê tông 2 tuyến đường trị giá 82 triệu đồng; nhân dân xã Tân Hội (huyện Tân Châu) góp vốn và ngày công lao động sửa chữa, nâng cấp 2.700 mét đường giao thông nông thôn với kinh phí 590 triệu đồng; 8 xã của huyện Gò Dầu huy động nhân dân được 2,0743 tỷ đồng để nâng cấp, dặm vá 60 tuyến đường giao thông nông thôn, tổng chiều dài 34, 390 km; xã An Hoà vận động nhân dân đóng góp khai hoang, lập nền hạ 02 tuyến đường ở ấp An Thới với kinh phí 580 triệu đồng; nhân dân xã Lộc Hưng (huyện Trảng Bàng) cải tạo hệ thống kênh mương với kinh phí 135 triệu đồng…các tổ chức đoàn thể như: Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, các doanh nghiệp Nhà máy đường Bourbon, Nhà máy đường Biên Hoà..) các đơn vị lực lượng vũ trang góp phần thực hiện khoảng 55 km đường giao thông với hơn 2.000 ngày công lao động, giá trị ước tính khoảng 13,6 tỷ đồng.

Mục tiêu chung của giai đoạn 2014-2015 là chọn các xã trọng điểm tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng (giao thông, thuỷ lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hoá...) các tiêu chí còn lại do các xã tổ chức vận động nhân dân thực hiện để đến cuối năm 2014 cơ bản có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến năm 2015 phấn đấu cơ bản hoàn thành xây dựng nong thôn mới ở 17 xã điểm đăng ký với trung ương đạt chuẩn năm 2015.

Để thực hiện được mục tiêu cụ thể đó tỉnh quan tâm chỉ đạo bố trí tập trung nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, vốn vay ưu đãi từ Bộ Tài chính, lồng ghép nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án hỗ trợ các mục tiêu cho 9 xã ưu tiên đầu tư năm 2013-2014 để hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn 9 xã này (mỗi huyện chọn 1 xã).

Nhật Quang

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây