Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, đồng chí Võ Đức Trong – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Vùng Đông Nam Bộ gồm các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, có diện tích 23.551km2, chiếm 7,1% diện tích cả nước. Dân số khoảng 18,8 triệu người, chiếm hơn 18% dân số cả nước và là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước. Đây là khu vực có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo và xin ý kiến tham gia của Hội đồng Điều phối vùng đối với nội dung quy hoạch vùng. Các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu tiến hành thảo luận, cho ý kiến về quan điểm phát triển và bố trí không gian; mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể; xác định các ngành có lợi thế, nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết; phát triển kết cấu hạ tầng liên kết vùng; giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch…
Kiến nghị tại Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong đề nghị Hội đồng thẩm định xem xét, chấp thuận bổ sung thêm cho Tây Ninh về bổ sung quy hoạch khai thác tối đa tiềm năng năng lượng điện mặt trời tại khu vực bán ngập Hồ Dầu Tiếng, đưa Tây Ninh trở thành trung tâm năng lượng điện mặt trời của vùng Đông Nam Bộ; bổ sung nội dung Nhóm sản phẩm du lịch đặc thù; đưa Tây Ninh ra khỏi định hướng quy hoạch là duy trì, nâng cao hiệu quả diện tích trồng tập trung hiện có so với các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương; bổ sung các tuyến kết nối Tây Ninh với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An; Dự kiến phân kỳ đầu tư các tuyến cao tốc Gò Dầu – Xa Mát, cải tạo, nâng cấp, mở rộng QL.22C, QL.56C; Bổ sung cảng hàng không, sân bay tiềm năng tại Tây Ninh....
Hội nghị Hội đồng điều phối vùng là bước tiếp theo rất quan trọng và hết sức cần thiết để cơ quan lập quy hoạch tiếp tục lắng nghe ý kiến tham gia. Từ đó sớm hoàn thiện nội dung quy hoạch vùng với quan điểm "chủ động kiến tạo phát triển và tăng cường liên kết vùng, hướng tới phát triển vùng nhanh và bền vững" nhằm tháo gỡ những "nút thắt", "điểm nghẽn" phát triển của vùng trong thời gian vừa qua. Đồng thời, đề ra mục tiêu, phương án phát triển cũng như giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Hội nghị thẩm định nhất trí thông qua hồ sơ Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến đề xuất phù hợp cho sự phát triển của khu vực.
ML