Tây Ninh tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ

Thứ tư - 14/09/2022 11:00 249 0
Sáng ngày 13/9, tại hội trường tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.



Các đại biểu tham dự hội nghị

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tú - Trưởng Ban kiểm soát Ngân hàng chính sách xã hội; Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Phong; Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong và các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh đến dự.

Giảm nghèo và giải quyết việc làm là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ các hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi để có điều kiện vươn lên xoá đói giảm nghèo. Nghị định 78/2002/NĐ-CP được ban hành cùng với việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 của Chính phủ đã tách tín dụng ưu đãi ra khỏi tín dụng thương mại, nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và cam kết trước cộng đồng quốc tế về xóa đói giảm nghèo.


Giám đốc NHCSXH - Chi nhánh tỉnh Tây Ninh Đào Anh Tuấn thông qua báo cáo kết quả 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP

Những năm đầu mới thành lập, chỉ có 3 chương trình tín dụng (gồm cho vay giải quyết việc làm; cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và cho vay hộ nghèo) được ủy thác với tổng dư nợ hơn 98 tỷ đồng, đến nay các tổ chức chính trị - xã hội đang thực hiện ủy thác 15 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ là hơn 3.100 tỷ đồng (tăng 45,6 lần so với khi mới thành lập), với trên 110.200 hộ vay, chiếm 97,7% tổng dư nợ (với 2.636 tổ tiết kiệm và vay vốn đang còn dư nợ); nợ xấu 22 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 0,68%), nợ quá hạn là 9,3 tỷ đồng (tỷ lệ 0,29%).

Khi mới thành lập, nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh chủ yếu từ Trung ương chuyển về; đến nay cơ cấu nguồn vốn hoạt động tương đối đa dạng và ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đến ngày 31/7/2022, tổng nguồn vốn đạt hơn 3.200 tỷ đồng (tăng trên 3.100 tỷ đồng so với lúc nhận bàn giao, tức tăng gần 32 lần).

Trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng trưởng và ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH trong toàn tỉnh đến nay là 296,7 tỷ đồng góp phần thực hiện các mục tiêu hàng năm về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh chính trị, an sinh xã hội trên địa bàn.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho hơn 47 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 82 nghìn lao động (hơn 74 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); tạo điều kiện cho hơn 57 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 355 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 1.200 căn nhà ở cho hộ nghèo, gần 43 nghìn hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng 187 căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong 20 năm qua, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành nguồn vốn quen thuộc với người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống của người dân; góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của tỉnh, kéo giảm số xã thuộc vùng khó khăn từ 20 xã cuối năm 2015, xóa hẳn vào năm 2021; kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,08% vào đầu năm 2016 xuống còn 0% vào cuối năm 2021; hộ cận nghèo từ 2,09% vào đầu năm 2016 xuống còn 0,5% vào cuối năm 2021.


Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị

Ghi nhận những kết quả đạt được trong 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh đến hiệu quả của việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung, quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố kiện toàn các Ban đại diện ngân hàng chính sách đủ mạnh, đủ thẩm quyền; rà soát, sắp xếp bố trí quỹ đất xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ trang thiết bị hoạt động, nhất là cân đối ngân sách hàng năm, 5 năm để tạo nguồn vốn uỷ thác cho các đối tượng chính sách xã hội vay vốn.

Chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, các cấp ủy, đơn vị, địa phương đề ra nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính  sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh.


Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong khẳng định, những kết quả đạt được có thể cho thấy tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để tín dụng chính sách thực sự là công cụ hữu hiệu trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, UBND tỉnh yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ngành liên quan và chi nhánh Ngân hàng chính sách tỉnh đặc biệt quan tâm tập trung nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn; tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng…


Các tập thể, cá nhân được nhận bằng khen của Tổng Giám đốc NHCSXH



Các tập thể, cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh

Nhân dịp này, có nhiều tập thể, cá nhân được nhận bằng khen của Tổng Giám đốc NHCSXH, bằng khen của Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh với thành tích xuất sắc trong 20 năm thực hiện chính sách tính dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.

Gia Thọ


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây