Đề án “Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp hạng các chỉ số: PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS và ICT INDEX của tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 - 2025”

Thứ ba - 29/06/2021 23:00 88 0

​Hiện nay, việc đánh giá nền hành chính của một địa phương, đánh giá sự hài lòng của Nhân dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính các cấp, đánh giá năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của một tỉnh…đều đã được các Bộ, ngành Trung ương hoặc các tổ chức quốc tế lượng hóa bởi các chỉ số như: PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS và ICT INDEX… Tất cả các chỉ số này đều mang tính khách quan, khoa học, sát thực tế, kịp thời và bao quát được hầu hết những lĩnh vực quản lý nhà nước. 

Bên cạnh đó, tác động của các chỉ số nêu trên đến phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng sức sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phản ánh mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp với chính quyền các cấp trong giai đoạn vừa qua đã được thể hiện rất rõ nét, khách quan, trung thực. Bản thân các chỉ số được đánh giá bởi những cơ quan độc lập, có thẩm quyền, có uy tín và tin cậy đã làm cho công tác quản lý ở các cấp chính quyền địa phương được thuận lợi, dễ dàng hơn, cung cấp thông tin minh bạch, kịp thời cần thiết cho người đứng đầu các cấp chính quyền để từ đó đưa ra những quyết định chỉ đạo, điều hành, quản lý đúng đắn, chính xác nhằm khắc phục những hạn chế, phát huy những thành quả đã đạt được trong công tác phục vụ Nhân dân và Doanh nghiệp. Do vậy, việc cải thiện các chỉ số nêu trên sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XI tỉnh Tây Ninh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra.

Trong thời gian vừa qua (2016 - 2020), nhìn chung thứ hạng các chỉ số phản ánh nền hành chính của tỉnh ngày càng giảm so với các tỉnh, thành trên cả nước. Sự quan tâm, vào cuộc của các sở, ban ngành tỉnh, các địa phương và nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với tầm quan trọng của các chỉ số nêu trên còn nhiều hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức.

Từ những lý do trên đây cho thấy cần thiết phải xây dựng một Đề án chuyên đề của tỉnh nhằm cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp hạng đối với các Chỉ số: PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS và ICT INDEX trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn 2021 – 2025 theo quyết định số 1364/QĐ-UBND ngày 25/6/2021 của UBND tỉnh.

Đồng thời, nhằm mục tiêu đánh giá toàn diện kết quả đạt được đối với từng Chỉ số; xác định rõ những kết quả nổi bật đã đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp cụ thể để khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế đối với từng nội dung tiêu chí thành phần của từng Chỉ số. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới thực hiện thành công việc xây dựng đô thị thông minh và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng phát triển trong giai đoạn 2025-2030. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC, nhất là xác định trách nhiệm của người đứng đầu tại từng cơ quan, đơn vị, địa phương đối với việc khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc duy trì, cải thiện điểm số, thứ hạng các Chỉ số trên.

Cụ thể:

Duy trì, cải thiện, nâng cao điểm số và vị trí xếp hạng đối với các chỉ số phản ánh nền hành chính của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu như sau:

Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): Thuộc nhóm Tốt.

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI): Thuộc nhóm "Trung bình cao".

Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX): thuộc nhóm 30 tỉnh dẫn đầu về Chỉ số CCHC.

Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS): Mức độ hài lòng của người dân và tổ chức cao hơn mức trung bình cả nước.

Chỉ số Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (ICT INDEX): thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Theo đó, các giải pháp được đề ra: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cải cách hành chính, trong xây dựng đầu tư và cải thiện các Chỉ số CCHC; Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; Có cơ chế quản lý, kiểm tra giám sát, xử lý hành vi tiêu cực trong công tác CCHC

UBND tỉnh giao Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố: Theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng hoặc tham mưu xây dựng quy chế, kế hoạch chi tiết để phân công cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các nội dung công việc được giao theo Phụ lục đính kèm Đề án này. Bố trí những CBCCVC có trình độ cao, năng lực chuyên môn giỏi đảm nhận các vị trí liên quan đến công tác CCHC, các lĩnh vực về đất đai, xây dựng, đầu tư,... để phát huy sức sáng tạo, sáng kiến hay góp phần thay đổi tư duy cũ ở địa phương; kịp thời thay thế, điều chuyển những người không đáp ứng yêu cầu. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của CBCCVC thuộc quyền quản lý; người dân, doanh nghiệp có liên hệ giải quyết TTHC về bản chất công tác CCHC, nắm bắt và sử dụng các phần mềm, các ứng dụng CNTT trong nộp hồ sơ, xử lý hồ sơ TTHC. Sử dụng có hiệu quả các phần mềm đã triển khai như Một cửa điện tử, Họp không giấy,... Định kỳ hàng năm (trước ngày 31/12) báo cáo kết quả thực hiện, đề xuất giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc về UBND tỉnh (thông qua Văn phòng UBND tỉnh) để UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo tháo gỡ. Xây dựng Quy chế thi đua, khen thưởng, bổ nhiệm CBCCVC gắn với việc thực hiện Đề án này.

Phi Phụng


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây