Công bố Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (Chỉ số PAPI) năm 2019

Thứ ba - 28/04/2020 18:00 96 0

Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (gọi tắt là Chỉ số PAPI) năm 2019 do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT), Công ty Phân tích Thời gian thực và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức vào trưa ngày 28/4.

Đồng chí Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại tỉnh Tây Ninh

Cùng tham dự hội nghị trực tuyến này, tại tỉnh Tây Ninh, có đồng chí Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Chỉ số PAPI năm nay được khảo sát với 8 chỉ số nội dung, bao gồm các chỉ số: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trườngQuản trị điện tử. 8 chỉ số này bao gồm 28 nội dung thành phần và hơn 120 chỉ tiêu chính, hơn 550 câu hỏi về nhiều vấn đề chính sách của Việt Nam.

Qua đó nhằm hướng tới cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương, đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của nhân dân thông qua việc tạo cơ hội cho người dân tham gia đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền, vận động chính quyền cải thiện cung cách phục vụ nhân dân; và thúc đẩy việc tự đánh giá để đổi mới, tạo tập quán cạnh tranh lành mạnh và văn hóa học hỏi kinh nghiệm giữa các chính quyền địa phương.

Năm 2019, 14.138 người dân đã tham gia khảo sát PAPI, chia sẻ đánh giá về hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền trong năm vừa qua.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại hội nghị khẳng định: cải cách nhà nước là một trong những trọng tâm của ba đột phá chiến lược hoàn thiện chính trị xã hội, mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện. Mục tiêu hướng tới của Chính phủ trong thực hiện Chương trình cải cách hành chính là xây dựng hệ thống các cơ quan chính trị nhà nước từ Trung ương đến cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; tăng tính dân chủ trong hoạt động điều hành của Chính phủ và của các cơ quan hành chính nhà nước, bảo đảm thực hiện trên thực tế quyền dân chủ của nhân dân, bảo vệ quyền con người; gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, của đất nước.

Do vậy, việc nghiên cứu phân tích sự đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của người dân là một kênh thông tin quan trọng không chỉ phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân ở cơ sở, mà còn cho biết hiệu quả hoạt động quản trị và hành chính công cấp tỉnh, giúp cho các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách và phương pháp hoạt động cho phù hợp yêu cầu thực tiễn. Từ năm 2009 đến nay, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận tổ quốc các cấp tại các tỉnh, thành phố đã đồng hành cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ cộng đồng, hàng năm triển khai điều tra, phân tích Chỉ số PAPI toàn bộ 63 tỉnh, thành phố. Với hơn 130.000 cuộc phỏng vấn được thực hiện với người dân cả nước trong hơn thập kỷ qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vui mừng nhận thấy kết quả dự án ngày càng được nhiều cơ quan quản lý nghiên cứu từ Trung ương đến địa phương tham khảo để phục vụ công tác chỉ đạo.

Ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, các phát hiện hàng năm của Chỉ số PAPI luôn là những dữ liệu quan trọng góp phần để địa phương thực hiện hiệu quả quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội. Trong đó, qua giám sát nhằm kịp thời phát hiện sai sót, khuyết điểm của công tác điều hành của chính quyền các cấp và kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn bất cập trong các văn bản, dự thảo chính sách, đồng thời kiến nghị bổ sung sửa đổi nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.


Bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú UNDP Việt Nam phát biểu

Bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú UNDP Việt Nam cho biết, năm 2019, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp tỉnh đã không ngừng được cải thiện. Điểm số trung bình của cấp tỉnh trên chỉ số nội dung tốt, từ 34,5 điểm năm 2011 lên 37,4 điểm năm 2019. Hầu hết các tỉnh đều có sự cải thiện theo từng năm. Đặc biệt là sự cải thiện trong lĩnh vực kiểm soát tham nhũng. Đây là yếu tố tương quan mạnh nhất với sự hài lòng nói chung của người dân với chính quyền và sự minh bạch trong quá trình ra quyết định của địa phương. Đây chính là minh chứng rõ ràng về sự cam kết mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo Trung ương và địa phương trong cải cách hiệu quả quản trị. “Trên cơ sở những cải thiện này, chúng tôi khuyến khích các nhà lãnh đạo tiếp tục đưa cải cách tiến về phía trước”- bà Caitlin Wiesen chia sẻ.

Theo kết quả Chỉ số PAPI cấp tỉnh năm 2019 cho thấy, trong 63 tỉnh, thành phố, có: 16 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất, trong đó tỉnh Bến Tre đứng nhất với 46,74 điểm; 16 tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình cao; 15 tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình thấp và 16 tỉnh, thành phố đạt điểm thấp nhất.


Biểu đồ chỉ số PAPI cấp tỉnh năm 2019 của các địa phương

Tây Ninh thuộc nhóm trung bình thấp, xếp hạng 41/63 tỉnh, thành phố, giảm 5 bậc so với năm 2018 (cùng nhóm với các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau).

Cùng với Bến Tre, các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, Cần Thơ…thuộc nhóm đạt điểm cao nhất.

Thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm điểm trung bình cao, cùng với các tỉnh Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Hậu Giang…

Hà Nội thuộc nhóm điểm thấp nhất cùng với các tỉnh Lai Châu, Bắc Ninh, Hưng Yên, Gia Lai, Phú Yên, Đắc Lắc, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận, Long An, Vĩnh Long…..

Qua đó cho thấy, nhiều tỉnh, thành phố trong nhóm trung bình cao trở lên là các địa phương phía Bắc. Các tỉnh, thành phố phía Nam có tiến bộ ở lĩnh vực nội dung “công khai, minh bạch” và “kiểm soát tham nhũng” qua hai năm. Các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ có xu hướng đạt điểm cao hơn các khu vực còn lại. TP.Hồ Chí Minh đạt một số tiến độ đánh kể ở bốn trong số sáu chỉ số nội dung ban đầu của PAPI so với năm 2018.

Tuy vậy, không có tỉnh, thành phố nào thuộc nhóm đạt điểm cao nhất ở cả 8 chỉ số lĩnh vực nội dung. Các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ có xu hướng bị bỏ lại phía sau. Hà Nội vẫn ở thế “giậm chân tại chỗ” ở sáu chỉ số nội dung ban đầu của PAPI so với năm 2018.

Kết quả Chỉ số PAPI năm 2019 cho thấy những cải thiện đáng kể mà nhiệm kỳ chính quyền các cấp hiện nay (2016-2021) đã và đang làm được. Người dân tham gia khảo sát PAPI năm 2019 có xu hướng hài lòng hơn với nỗ lực mạnh mẽ trong đấu tranh chống tham nhũng lớn và tham nhũng vặt ở tất cả các cấp chính quyền.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong hai năm 2018 và 2019 đạt mức 7%, mức cao nhất liên tục trong thập niên qua, vẫn có tới gần 25% người dân trả lời khảo sát PAPI tiếp tục cho rằng đói nghèo là mối quan ngại lớn nhất trong năm 2019, và tỉ lệ này duy trì suốt từ năm 2016 đến nay. Thêm vào đó, vấn đề tăng trưởng kinh tế và ô nhiễm môi trường quay trở lại nhóm ba mối quan ngại hàng đầu của người trả lời khảo sát PAPI trong năm 2019 (tương tự kết quả khảo sát năm 2016 sau thảm họa ô nhiễm môi trường biển và cá chết hàng loạt). Người dân cũng nhấn mạnh mong muốn đất nước phát triển bền vững, rất phù hợp với bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.

CT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây