Kế hoạch giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ hai - 18/03/2019 14:00 120 0
Ngày 14/3/2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 485/KH-UBND thực hiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Theo kế hoạch, mục tiêu chung kế hoạch hướng đến nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Đồng thời, phát huy những kết quả đạt được, tạo bước đột phát về chất lượng giáo dục hướng nghiệp (GDHN) trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đạt ít nhất 55% trường THCS, 60% trường THPT có chương trình GDHN gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; phấn đấu ít nhất 55% trường THCS, 60% trường THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng.

Mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu 100% trường THCS và THPT có chương trình GDHN gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; 100% trường THCS và  THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng.

Kế hoạch còn đề ra các nhiệm và giải pháp như: nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức GDHN trong trường phổ thông; Phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông; triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; huy động các nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông; tăng cường công tác quản lý đối với giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

Kinh phí thực hiện kế hoạch từ nguồn ngân sách nhà nước được giao hàng năm cho các sở, ngành, địa phương theo phân cấp ngân sách; nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; nguồn thu hợp pháp của các cơ sở giáo dục; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn xã hội khác.

Ngoài ra, UBND tỉnh còn giao nhiệm vụ cho Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện; tổ chức sơ kết, tổng kết; đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung kế hoạch trong trường hợp cần thiết. Chỉ đạo, hướng dẫn các phòng giáo dục và đào tạo, các đơn vị trực thuộc thực hiện đầy đủ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong kế hoạch và các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chí đánh giá việc thực hiện GDHN trong cơ sở giáo dục phổ thông; tiêu chuẩn lựa chọn người làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp trong trường phổ thông; tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; cơ chế phối hợp giữa cơ sở giáo dục phổ thông với cơ sở GDNN, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong định hướng nghề nghiệp và huy động nguồn lực cho GDHN.

Bổ sung, cập nhật nội dung GDHN trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; hướng dẫn thực hiện nội dung GDHN trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác GDHN và định hướng phân luồng trong trường phổ thông; hướng dẫn các cơ sở giáo dục thống kê, báo cáo định kỳ tình hình thực hiện kế hoạch theo từng cấp học và hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách về việc học sinh học liên thông giữa các trình độ đào tạo, lên các cấp học cao hơn. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ sở GDNN về công tác GDHN và phân luồng học sinh sau THCS và sau THPT; tiếp tục đổi mới tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo hướng giảm dần tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào lớp 10 THPT đến năm 2025, tăng dần tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở GDNN, nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu kế hoạch. Xây dựng trang thông tin về GDHN và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên hệ thống thông tin quản lý của ngành giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn yêu cầu Sở GDĐT tham mưu UBND tỉnh trong việc biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ sở giáo dục và các tổ chức, cá nhân khác tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác GDHN và định hướng phân luồng học sinh phổ  thông.

An Nhiên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây