Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025

Thứ ba - 18/08/2020 17:00 228 0
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 1773/QĐ-UBND ngày 17/8/2020 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu của kế hoạch này là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hoá; kinh tế nông thôn phát triển mạnh, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững.

Theo đó, phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 có 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 2 xã biên giới); 36 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao (trong đó có 10 xã biên giới); phấn đấu có 12 xã đạt NTM kiểu mẫu (trong đó có 2 xã biên giới); 6 huyện gồm: Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Châu Thành, Gò Dầu, Bến Cầu đạt chuẩn huyện NTM; thị xã Trảng Bàng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (100% xã đạt chuẩn). Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn nâng cao, thu nhập bình quân đến năm 2025 bằng 1,8 lần so với năm 2020.

Lũy kế từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình (giai đoạn 2011 - 2025): Có 71/71 xã đạt chuẩn NTM (100% số xã, trong đó có 20 xã biên giới); 37/71 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao (trong đó có 10 xã biên giới); phấn đấu có 12/71 xã đạt NTM kiểu mẫu (trong đó có 02 xã biên giới), 06 huyện: Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Châu Thành, Gò Dầu, Bến Cầu đạt chuẩn huyện đạt chuẩn NTM; Thành phố Tây Ninh, 02 thị xã: Hòa Thành, Trảng Bàng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (có 100% xã đạt chuẩn).

Tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2021-2025: 12.710 tỷ đồng, trong đó vốn Ngân sách: 4.514 tỷ đồng, chiếm 35,5%, trong đó NSTW 1.113 tỷ đồng, NSĐP 3.401 tỷ đồng. Gồm: vốn đầu tư phát triển: 4.035 tỷ đồng, trong đó NSTW 709 tỷ đồng, NSĐP 3.326 tỷ đồng.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT (cơ quan thường trực Chương trình) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Chương trình; trên cơ sở kế hoạch này xây dựng kế hoạch hàng năm về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nhu cầu nguồn vốn thực hiện Chương trình gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp. Đề xuất các tiêu chí, chỉ tiêu giao cấp tỉnh quy định thực hiện giai đoạn 2021-2025 theo hướng dẫn của Trung ương về: Xã đạt chuẩn NTM, xã NTM nâng cao,… Thực hiện hiệu quả công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình của các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, nhất là chất lượng công tác thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu; tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh.

Các cơ quan thông tin truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh, Báo Tây Ninh) đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền phục vụ Chương trình; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Kịp thời đăng tải, đưa tin các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện Chương trình của Trung ương, của Tỉnh trên Cổng thông tin điện tử tỉnh để các Sở, ban, ngành tỉnh, địa phương biết, thực hiện.

HN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây