Tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội tháng 08/2022

Thứ hai - 12/09/2022 08:47 159 0
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát nhưng vẫn diễn biến phức tạp; các ngành, các cấp ở địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng chống dịch, thúc đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin mũi 3-4. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế được phục hồi và phát triển mạnh. Sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo trồng được duy trì; chăn nuôi, thu hút được các dự án mới có quy mô lớn. So cùng kỳ, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng; doanh thu bán lẻ hàng hoá tăng; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác tăng. Thu ngân sách trên địa bàn đạt khá so với dự toán, chi ngân sách đảm bảo phục vụ chi cho các họat động thường xuyên. Các hoạt động văn hóa, xã hội trở lại bình thường; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; quốc phòng an ninh được đảm bảo. 

A.    VỀ KINH TẾ
1. Sản xuất nông - lâm nghiệp:
a. Trồng trọt 
Sản xuất trồng trọt tháng này chủ yếu tập trung cho việc thu hoạch vụ Hè thu, do tình hình thời tiết trong tháng mưa nhiều gây ra một số khó khăn cho việc thu hoạch làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Cây lúa: Kết quả gieo trồng vụ Đông xuân và Hè thu, diện tích duy trì ổn định  
Tiến độ thu hoạch vụ Hè thu, đến ngày 13/8 đạt 24.427 ha, giảm (-6,02%) so cùng kỳ, chủ yếu do thời tiết mưa nhiều, làm thu hoạch chậm. Riêng vụ Mùa, đến ngày 13/8/2022 toàn tỉnh đã thực hiện xuống giống ước đạt 4.986 ha, tăng 0,14% so với cùng kỳ (+6,75 ha). 
Diện tích gieo trồng vụ hè thu (đến 13/8): 
+ Cây ngô (bắp) 4.195 ha, so cùng kỳ giảm 0,44% (-18ha), thời gian đầu vụ có những cơn mưa lớn khiến một số diện tích ngô đã xuống giống bị ngập, khiến người dân chuyển sang cây trồng khác, do đó diện tích ngô giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. 
+ Cây đậu phộng 3.081 ha, so cùng kỳ giảm 8,51% (-287 ha do thời tiết đầu vụ không thuận lợi xuống giống, cùng với trình trạng khan hiếm lao động, chi phí tăng cao nhưng giá đậu phộng không tăng nên giảm diện tích gieo trồng. 
+ Rau các loại 15.049 ha, so cùng kỳ giảm 2,28% (-351 ha), Mặc dù nhiều diện tích rau ở một số huyện tăng so cùng kỳ nhưng có những cơn mưa lớn làm ngập diện tích ở một số cánh đồng trũng thấp ở thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu, Bến Cầu đã gây thiệt hại cho một số diện tích đã xuống giống nên ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng chung. 
+ Cây đậu các loại 2.341 ha, so cùng kỳ giảm 22,19% (-668 ha), chủ yếu do thời tiết không thuận lợi, có những cơ mưa lớn gây ảnh hưởng đến việc xuống giống đậu các loại, giá thuê lao động tăng cao khiến trồng đậu các loại không còn hiệu quả nên người dân chuyển sang các loại cây trồng khác. 
+ Cây mía trồng mới 6.441ha, tăng 1,89% so cùng kỳ (+119 ha). Diện tích mía trồng tập trung tại các huyện Tân Châu, Châu Thành, Tân Biên và Bến Cầu, chỉ còn duy trì chủ yếu ở các trang trại của công ty.
Tình hình sâu bệnh gây hại cây trồng chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ, phát sinh giảm so với cùng kỳ năm trước. Trên cây lúa, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây lúa, nhiều diện tích lúa đang bị một số sâu bệnh phát sinh gây hại. Trong đó, nhiều diện tích lúa đang bị rầy phấn trắng gây hại trên diện rộng ở các huyện Bến Cầu, Trảng Bàng, Gò Dầu, Châu Thành. Ngoài ra một số đối tượng phát sinh có diện tích nhiễm nhiều như: rầy nâu, sâu cuốn lá… gây hại ở mức độ thấp, nông dân đã điều trị kịp thời… ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng phát triển cây trồng
    b. Chăn nuôi - thú y – thủy sản
    Trong tháng, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh khôi phục sản xuất, tình hình chăn nuôi có nhiều chuyển biến tích cực, đã thu hút được nhiều dự án về chăn nuôi với quy mô vốn lớn, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi tăng cao hơn cùng kỳ. Giá cả một số sản phẩm chăn nuôi chủ yếu có biến động tăng so với tháng trước như giá thịt lợn (heo) hơi, giá gà tăng nhẹ.
    Tình hình dịch bệnh: không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản. Mạng lưới thú y cơ sở tổ chức tiêm phòng bổ sung trên đàn gia súc, gia cầm mới phát sinh hoặc nuôi mới để đảm bảo sức khỏe đàn vật nuôi. Kết quả đến tháng 8 tiêm được 217.604 liều vắc xin các loại; giám sát thực hiện tiêu độc sát trùng phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm 9.561.340 m2, cơ sở giết mổ 548.108 m2, lò ấp 12.310 m3, phương tiện vận chuyển 8.311 xe ô tô và 589 xe khác.    
    c. Lâm nghiệp 
    Triển khai thực hiện nghiêm kế hoạch chăm sóc rừng trồng phòng hộ, đặc dụng. Thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra các tuyến biên giới, các khu vực trọng điểm, thường xảy ra vi phạm để ngăn chặn, xử lý kịp thời. Trong tháng, xảy ra 10 vụ vi phạm quy định về Luật Lâm nghiệp (tăng 08 vụ so với tháng trước); xử lý 03 vụ vi phạm hành chính. Tiếp nhận 17 tin báo, đã kịp thời ngăn chặn và xử lý vi phạm. 
    d. Công tác phòng, chống thiên tai
Xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Từ ngày 05/7/2022 đến ngày 05/8/2022, xảy ra 03 thiên tai trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, Bến Cầu, gây thiệt hại 02 căn nhà, 475 ha cây trồng bị hư hại, giá trị thiệt hại 410 triệu đồng.
e. Tình hình đầu tư và chế biến 
Chế biến mì: ước khối lượng củ mì đưa vào chế biến khoảng 300.568 tấn, giảm 4,4 % so với tháng trước, sản xuất được 75.142 tấn bột (trong đó sản xuất công nghiệp là 255.483 tấn củ, với 63.871 tấn bột; cơ sở vừa và nhỏ là 45.085 tấn củ, 11.271 tấn bột). Giá thu mua củ mì tươi trong tháng dao động từ 3.150-3.250 đồng/kg (30 chữ bột) tùy khu vực. 
2.    Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng nhẹ so với tháng trước. Lũy kế, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 18,1%, trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,55%; nhóm ngành khai khoáng giảm 7,53%.
3.    Dịch vụ - Thương mại - du lịch 
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tháng 8 năm 2022 ước đạt 6.453 tỷ đồng; tăng 0,25% so với tháng trước, trong đó: nhóm hàng lương thực thực phẩm tăng 0,41%, nhóm bán lẻ xăng dầu các loại giảm 1,86%, nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 0,15%. Cộng dồn 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 50.216 tỷ đồng, tăng 25,02% so cùng kỳ.
Hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh tăng nhẹ so với tháng trước do tăng lượng du khách đến Núi Bà Đen và Tòa Thánh Tây Ninh để hành hương lễ chùa.
Vận chuyển hành khách ước đạt 2.035 nghìn người, tăng 1,65% và luân chuyển được 134.167 nghìn lượt khách.km, tăng 0,56% so tháng trước.Vận chuyển hàng hóa ước đạt 1.356 nghìn tấn, tăng 0,76% và luân chuyển được 103.791 nghìn tấn.km, tăng 0,62% so tháng trước. 
Doanh thu dịch vụ, lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.709 tỷ đồng, giảm 0,66% so với tháng trước và tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.  
Ước kinh doanh du lịch trong tháng: khách lưu trú đạt 300.000 lượt; khách lữ hành 3.000 lượt; khách tham quan khu điểm du lịch 319.000 lượt; tổng doanh thu du lịch 104,4 tỷ đồng. Lũy kế, khách lưu trú ước đạt 2.006.676 lượt; khách lữ hành ước đạt 17.500 lượt (cùng kỳ năm 2021 các hoạt động tạm dừng do tình hình dịch Covid-19); khách tham quan khu, điểm du lịch ước đạt 3.912.156 lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt 1.057 tỷ tăng 103,2% so cùng kỳ.
Tham gia sự kiện “Không gian Di sản văn hóa Du lịch Việt Nam năm 2022”; sự kiện “Liên kết – Sức mạnh du lịch Việt Nam”. Hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành xây dựng “city tour” xung quanh thành phố Tây Ninh. Trang bị các túi nilong sinh học tự hủy tại các cơ sở, khu, điểm du lịch. 
4.    Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn
Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 347,52 tỷ đồng, giảm 17,29% so tháng trước. Lũy kế, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 2.659 tỷ đồng, đạt 63,83% kế hoạch năm, và tăng 24,57% so cùng kỳ năm trước. Công tác thu hút đầu tư được đẩy mạnh, ngày 10/8/2022, tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học: “Quan điểm, định hướng giải pháp phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng đô thị - công nghiệp – dịch vụ cửa khẩu xanh, bền vững giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, hội thảo đã xác định được những mục tiêu chính, giải pháp để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế hiện có.
Thu hút đầu tư nước ngoài: trong tháng không có dự án cấp mới và lượt dự án tăng vốn; giảm vốn 01 lượt dự án với vốn giảm 0,37 triệu USD; chấm dứt, thu hồi 01 dự án với vốn đầu tư 03 triệu USD. Lũy kế, cấp mới 04 dự án với tổng vốn thu hút là 214 triệu USD, tách mới 01 dự án với vốn đăng ký là 3 triệu USD, tăng vốn 07 lượt dự án với vốn tăng 37,4 triệu USD, giảm vốn 05 lượt dự án với vốn giảm 27,87 triệu USD; chấm dứt, thu hồi 03 dự án với vốn đầu tư 4,5 triệu USD. Tính đến ngày 23/8/2022, trên địa bàn tỉnh có 346 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với vốn đăng ký là 8.662,98 triệu USD.
Thu hút đầu tư trong nước: trong tháng cấp mới 08 dự án với vốn thu hút là 3.670 tỷ đồng, tăng vốn 02 lượt dự án với vốn tăng 270 tỷ đồng; chấm dứt, thu hồi do nhà đầu tư đề xuất 06 dự án với tổng vốn đầu tư 172,7 tỷ đồng. Lũy kế, cấp mới 35 dự án với vốn thu hút là 12.283,9 tỷ đồng; tăng vốn 17 lượt dự án với vốn tăng 2.891,6 tỷ đồng; chấp thuận nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu cho 01 dự án với tổng vốn đầu tư 3.245 tỷ đồng; chấm dứt, thu hồi do nhà đầu tư đề xuất 15 dự án với tổng vốn đầu tư 801,5 tỷ đồng. Tính đến ngày 23/8/2022, trên địa bàn tỉnh có 671 dự án còn hiệu lực với vốn đăng ký là 115.089 tỷ đồng.
Về phát triển doanh nghiệp: Cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 65 doanh nghiệp với vốn đăng ký là 355,7 tỷ đồng. Lũy kế 08 tháng đầu năm 2022 đăng ký thành lập mới 576 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 4.708,3 tỷ đồng. 
5.    Tài chính – ngân hàng
a. Tài chính
Ước tổng thu ngân sách địa phương trong tháng đạt 829 tỷ đồng . Trong đó: thu nội địa 693 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 136 tỷ đồng.
Chi ngân sách địa phương ước thực hiện: 875.9 tỷ . Trong đó: Chi cân đối ngân sách địa phương đạt 545,15 tỷ đồng.  
b. Hoạt động ngân hàng
Ước tổng vốn huy động của hệ thống ngân hàng tháng 8/2022 đạt 62.650 tỷ đồng, tăng 15,9% so với đầu năm (trong đó nguồn vốn huy động trên 12 tháng đạt 6.000 tỷ đồng). Tổng dư nợ cho vay ước đạt 82.050 tỷ đồng, tăng 7,0% so với đầu năm. Nợ xấu chiếm 0,34% tổng dư nợ. 
6.    Tài nguyên - môi trường
Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: cấp 07 giấy chứng nhận cho tổ chức với tổng diện tích 15,3 ha; cấp 147 giấy chứng nhận lần đầu cho cá nhân, hộ gia đình với diện tích 35,43 ha. 
Tiếp tục triển khai các dự án về bảo vệ môi trường. Nâng cao năng lực và tổ chức quan trắc môi trường nước sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông. Triển khai thực hiện kế hoạch quan trắc chất lượng môi trường năm 2022; quan trắc nước mặt, không khí dự án hiện trạng chất lượng môi trường tỉnh.
B. LĨNH  VỰC VĂN HÓA – XÃ HỘI
1.    Giáo dục – Đào tạo
Tổ chức hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Chương trình Sữa học đường tỉnh Tây Ninh. Ban hành kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên năm học 2022 – 2023. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Tây Ninh có 9.337 thí sinh đỗ tốt nghiệp/9.470 thí sinh dự thi, tỉ lệ tốt nghiệp đạt 98,6%. Tổ chức hội nghị sơ kết Chương trình hợp tác với Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó định hướng phối hợp giữa tỉnh và trường trong công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới. 
2.    Khoa học - Công nghệ
Phê duyệt triển khai đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Hiện trạng và giải pháp quản lý nguồn lợi thủy sản gắn với quản lý tổng hợp nguồn tài nguyên nước ở hồ Dầu Tiếng”. Tiếp nhận, vận hành sàn giao dịch công nghệ trực tuyến Tây Ninh. Thực hiện kiểm định 1.094 ptđ, kết quả đạt yêu cầu. Cập nhật và đăng tải 23 tin tức liên quan đến hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng lên website https://tbt.tayninh.gov.vn. 
3.    Lao động, việc làm và an sinh xã hội
Tư vấn việc làm và học nghề cho 1.849 lượt lao động. Giới thiệu cung ứng lao động trong nước 131 lao động. Giải quyết cho 2.100 người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp với kinh phí 46.200 triệu đồng. Trong tháng không xảy ra đình công, lãn công.
Xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo
bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2022. Hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố rà soát, bổ sung và chuẩn hóa dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội.
Thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp thường xuyên; các chế độ chính sách ưu đãi cho người có công với cách mạng. 
4.    Tình hình dịch bệnh 
Thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch. Trong tháng, có 1.658 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (giảm 26,1% so với tháng trước và tăng 4,73 lần so cùng kỳ); 120 ca mắc bệnh tay - chân - miệng. Số ca HIV phát hiện 44 ca, lũy kế 6.088 ca; số bệnh nhân điều trị ARV mới 39 ca, lũy kế 3.260 ca. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trong tháng không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Tình hình dịch Covid-19: Từ khi phát sinh dịch đến 16/8/2022, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 151.473 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trong đó số ca đang điều trị là 127 ca, số ca tử vong là 879 ca. Tiếp tục rà soát cập nhật, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 06/8/2022.
Triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, ho gà,…đảm bảo đầy đủ thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch và phục vụ khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.
5.    Văn hóa – Thông tin – Thể dục thể thao
Tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện, các hoạt động văn hóa văn nghệ trong tháng, các hoạt động của Đảng, Nhà nước. Ban hành Kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Tiếp tục thực hiện quy trình xây dựng Đề án thu phí tham quan khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen làm cơ sở tham mưu Nghị quyết quy định mức thu, quản lý và sử dụng phí tham quan khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen.
Thực hiên Kế hoạch “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về chuyển đối số, an toàn thông tin năm 2022”. Cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, kịp thời giải trình những vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Tổ chức Lễ tổng kết Đại hội TDTT các cấp tỉnh Tây Ninh lần thứ IX năm 2021-2022. Tham dự 15 giải thi đấu cụm, miền quốc gia, đạt 40 huy chương (gồm: 7 HCV, 12 HCB, 21 HCĐ).
C. MỘT SỐ CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
1. Công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội
a. Biên giới
Tình hình trật tự, an toàn xã hội trong khu vực biên giới tương đối ổn định, duy trì các chốt phòng, chống dịch, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, bảo đảm an ninh trật tự trên tuyến biên giới. 
b. Nội địa
Tiếp tục duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu gắn với trực cứu hộ cứu nạn thường xuyên theo đúng quy định. 
Về tình hình tội phạm và trật tự, an toàn xã hội (Từ ngày 15/7/2021 đến ngày 14/8/2022): Trong tháng tiếp nhận 77 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự (giảm 51 vụ so tháng trước); trong đó tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 11 vụ, điều tra làm rõ 09 vụ 18 đối tượng.
Về giao thông đường bộ (Từ ngày 15/7/2022 đến ngày 14/8/2022): Xảy ra 03 vụ, làm chết 03 người (so với cùng kỳ năm 2021 giảm 09 vụ, giảm 01 người chết, giảm 08 người bị thương).
c. Công tác đối ngoại
Giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh về công tác lãnh sự trên địa bàn tỉnh, giải quyết tốt công tác bảo hộ công dân và người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Tây Ninh. Ban hành Kế hoạch khảo sát lập hồ sơ dự toán dở bỏ 16 mốc cũ biên giới trên địa bàn tỉnh. Hoàn chỉnh Kế hoạch đoàn ra, đoàn vào 6 tháng cuối năm 2022.
2. Công tác thanh tra tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
a. Công tác thanh tra: thực hiện 28 cuộc thanh tra hành chính (có 20 cuộc kỳ trước chuyển sang), trong đó thanh tra lĩnh vực tài chính 09/28 cuộc; đã ban hành kết luận 02 cuộc.
Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (chủ yếu thuộc các lĩnh vực: giao thông vận tải, vệ sinh an toàn thực phẩm, văn hóa…) đã thực hiện được 636 cuộc, phát hiện 17 tổ chức và 41 cá nhân vi phạm, đã ban hành 52 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt 204 triệu đồng, đã thu nộp 203 triệu đồng.
b. Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân
- Về công tác tiếp dân và xử lý đơn: Trụ sở tiếp công dân tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và các địa điểm tiếp dân trong tỉnh tiếp 151 lượt/152 người/141 vụ việc. Nhận tổng cộng 160 đơn đủ điều kiện xử lý, gồm: 16 đơn khiếu nại, 02 đơn tố cáo, 142 đơn kiến nghị phản ánh. Kết quả xử lý 18 đơn khiếu nại, tố cáo: hướng dẫn 04 đơn, chuyển 09 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, 05 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền.
- Kết quả giải quyết đơn thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng các cấp, ngành:
+ Giải quyết đơn khiếu nại: Tổng số 11 đơn (06 đơn kỳ trước chuyển sang), đã giải quyết xong 03 đơn đúng thời hạn quy định. Việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật: theo dõi đôn đốc thực hiện 01/30 quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
+ Giải quyết đơn tố cáo: Giải quyết xong 02 đơn tố cáo kỳ trước chuyển sang.
3. Công tác tư pháp 
Tổ chức viết bài, cập nhật, đăng tải tin bài trên trang thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Tây Ninh 49 nội dung. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được 377 cuộc với hơn 13.382 người tham gia, tuyên truyền qua loa truyền thanh 450 giờ, tủ sách pháp luật có 46 lượt người tìm hiểu. Công tác hòa giải đã tiếp nhận mới 35 vụ, trong đó đưa ra hòa giải 30 vụ (hòa giải thành 27 vụ); thực hiện trợ giúp pháp lý 104 vụ việc. 
4. Công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính
Triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản của Bộ, ngành Trung ương và địa phương đến các cơ quan, đơn vị trong ngành. Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; báo cáo Bộ Nội vụ về thực trạng hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực Kế hoạch đầu tư và thống kê. Xây dựng Kế hoạch Bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2022-2026. Làm việc với đoàn công tác của Bộ Chính trị các nội dung liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây