Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát tình hình quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước, giai đoạn 2013-2018

Thứ sáu - 22/03/2019 19:00 131 0
Sáng ngày 22/3, Đoàn Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước, giai đoạn 2013 - 2018 do đồng chí Huỳnh Thanh Phương, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Sở Giao thông Vận tải. Cùng tham dự với đoàn có đồng chí Nguyễn Văn Nhiếm, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và một số sở, ngành có liên quan.

DDQHgiamsat1.jpg

Đồng chí Huỳnh Thanh Phương, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi giám sát

Theo đồng chí Nguyễn Thị Nhiền, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết hiện tại Sở đang quản lý hai loại quỹ ngoài ngân sách là Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Quỹ Bảo trợ trẻ em. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được thành lập theo Quyết định số 13/QĐ-UBND ngày 29/4/1988 của UBND tỉnh về việc thành lập Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh Tây Ninh. Quỹ thực hiện nhiệm vụ chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần cho người có công ngày một tốt hơn với các hoạt động cụ thể như xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công hoặc thân nhân của họ; thăm hỏi khi ốm đau, hỗ trợ khám, chữa bệnh…Trong giai đoạn 2013-2018, Quỹ này vận động được 40,347 tỷ đồng. Quỹ được nộp vào tài khoản Kho bạc Nhà nước tỉnh để theo dõi toàn bộ các khoản thu, chi. Quỹ không cho vay để sinh lời, kết dư của Quỹ được luân chuyển sang năm tiếp theo. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng góp phần chăm lo cho người có công trên địa bàn có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên thực tế cho thấy, nguồn kinh phí này chưa đáp ứng nhu cầu chăm lo cho người có công trên địa bàn.

Trong giai đoạn 2013 - 2018, Quỹ Bảo trợ trẻ em nhận được nguồn kinh phí từ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân là hơn 3,453 tỷ đồng. Quỹ hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm. Hàng năm, hoạt động của Quỹ tập trung vào các đợt cao điểm ngày lễ tết như Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu để chăm lo cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn thương tích…Định kỳ hàng quý, năm, Quỹ được công khai tình hình thu - chi để cơ quan chức năng giám sát kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật. Thực tế, nguồn quỹ này đã hỗ trợ giúp giảm bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống của các trẻ em thuộc đối tượng được chăm lo. Tuy nhiên, với nguồn quỹ còn hạn chế nên việc chăm lo chưa đáp ứng theo yêu cầu công tác chăm sóc trẻ em.  

Đồng chí Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, Sở đang quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh. Đây là Quỹ của nhà nước, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước. Mục tiêu của Quỹ là quản lý, sử dụng hiệu quả kinh phí bảo trì đường bộ góp phần nâng cao công tác bảo trì, giữ gìn, bảo vệ được tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sau khi được đầu tư.

Nguồn thu của Quỹ từ phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, nguồn ngân sách tỉnh cấp bổ sung hàng năm và các nguồn vốn hợp pháp khác (đến nay chưa có thu từ nguồn này). Quỹ được thành lập và hoạt động đúng theo các quy định của pháp luật. Quỹ hoạt động với bộ máy gồm Hội Đồng quản lý Quỹ và Văn phòng Quỹ, có phụ cấp kiêm nhiệm. Quỹ thực hiện chi theo Thông tư số 60/2017/TT-BTC, ngày 15/6/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý, với sự giám sát của cơ quan chức năng.

Từ khi Quỹ Bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, nguồn chi cho công tác bảo trì đường bộ tỉnh tăng đáng kể so với trước đây, trong đó có sửa chữa một số tuyến đường, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, nguồn vốn Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương chuyển về địa phương hàng năm chậm và chuyển thành nhiều đợt, do đó, tỉnh chưa thể chủ động trong việc triển khai thực hiện công tác bảo trì các tuyến đường. Mặt khác, số phương tiện, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng mạnh, tăng áp lực cầu đường dẫn đến quá tải, làm cho nhanh xuống cấp, đòi hỏi kinh phí bảo trì nhiều hơn.

Các thành viên đoàn giám sát đề nghị các đơn vị được giám sát cho biết thêm số lượng cụ thể trẻ em được hỗ trợ; đánh giá cụ thể hơn về nguyên nhân chủ quan, khách quan trong quá trình hoạt động; cần có kế hoạch định mức chi cho các huyện, thành phố tùy theo số lượng trẻ em thuộc đối tượng được bảo trợ, không cào bằng; tìm hiểu thêm về thẩm quyền chi của các loại quỹ; việc công khai, minh bạch trong quá trình quản lý với nội dung, hình thức như thế nào, cơ chế kiểm tra giám sát ra sao?

Đồng chí Huỳnh Thanh Phương, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng qua buổi giám sát đoàn đã được cung cấp nhiều thông tin để kiến nghị đơn vị quản lý nhà nước trên địa bàn, cơ quan có thẩm quyền ở trung ương về nội dung này. Đồng chí đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có kế hoạch sử dụng và kế hoạch vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Quỹ Bảo trợ trẻ em, hướng đến đối tượng là trẻ em vào đời sớm, trẻ em bị xâm hại, trẻ em lang thang cơ nhỡ.

Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, hàng năm phải công khai rõ ràng hình thức, nội dung cụ thể, rõ ràng, Quyết định 192/2004/QĐ-TTg, ngày 16/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ xung quanh quy chế quản lý các quỹ ngoài ngân sách nhà nước, Chỉ thị 33/2008/CT-TTg, ngày 20/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện nghiêm các chính sách tài khóa.

Qua đợt giám sát, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ có đề xuất, kiến nghị chấn chỉnh theo hướng cần có cơ chế chung để các loại quỹ hoạt động. Quỹ nào cần thiết thì giữ độc lập để phát triển, những quỹ nào cùng mục tiêu xã hội từ thiện cần phải gom lại đồng thời cũng nên giải thể quỹ hoạt động cầm chừng kém hiệu quả. Với Quỹ Bảo trì đường bộ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương cần phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương và kèm theo phân luôn kinh phí để quá trình thực hiện được dễ dàng.

XV


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây