Trong quá trình thực hiện giảng dạy, nhà trường, phòng và Sở GD&ĐT thường xuyên dự giờ rút kinh nghiệm và có sự điều chỉnh kịp thời cho giáo viên về phương pháp, giúp cho việc dạy học đạt hiệu quả cao hơn.
Học sinh Trường THCS Võ Văn Kiệt trong giờ học theo mô hình VNEN. |
Giáo viên thực hiện tốt việc áp dụng phương pháp dạy học theo mô hình VNEN, chủ động nghiên cứu, thiết kế các hoạt động, điều chỉnh tài liệu dạy học, tổ chức các hình thức dạy học phù hợp với từng nội dung bài dạy.
Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy giáo viên còn gặp một số khó khăn. Một số trường do sĩ số học sinh trong lớp đông nên việc sắp xếp, bố trí lớp học không thuận lợi.
Một số giáo viên mới tham gia giảng dạy năm đầu tiên theo mô hình VNEN nên chưa mạnh dạn, chưa sáng tạo trong tổ chức, thực hiện các hoạt động trên lớp.
Kết quả chất lượng giáo dục ở Tây Ninh cho thấy, trong tổng số 5.927 học sinh cấp tiểu học theo mô hình trường học mới VNEN, chỉ có 10 trường hợp xếp loại “chưa hoàn thành môn học và hoạt động giáo dục”. Ở cấp trung học cơ sở, trong tổng số 1.034 học sinh theo học mô hình trường học mới, có 82 trường hợp ghi nhận là “chưa hoàn thành kết quả học tập các môn học”.
Như vậy, trong số 6.961 học sinh tiểu học và trung học cơ sở theo học mô hình trường học mới, số học sinh chưa hoàn thành nội dung các môn học chỉ có vỏn vẹn 92 trường hợp.
Mô hình trường học VNEN mới được triển khai cách nay chỉ ít năm và đang có nhiều ý kiến trái chiều về mô hình này. Trước thềm năm học 2016 – 2017, một số tỉnh đã quyết định xóa bỏ hoàn toàn mô hình VNEN vì lo không đảm bảo chất lượng giáo dục.
Theo Báo Tây Ninh Online