Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19

Thứ năm - 03/06/2021 20:00 121 0
Sáng ngày 03/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chủ trì tại điểm cầu Hà Nội.


Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có đồng chí Nguyễn Đình Xuân  - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các hiệp hội và lãnh đạo các chi cục.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, qua hội nghị nhằm tìm ra các biện pháp để tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu trong điều kiện dịch bệnh, nhất là các tỉnh có lượng hàng nông sản lớn, để không còn giải cứu nông sản nữa. Trước mắt, các địa phương phải tăng cường tham mưu lãnh đạo xây dựng được mô hình cung ứng nông sản an toàn thực phẩm theo chuỗi khép kín, ứng phó hiệu quả trong điều kiện dịch bệnh.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, tình hình tiêu thụ nông sản gặp nhiểu khó khăn. tiêu thụ thịt gia cầm trong nước hiện ở mức giá thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi ngày càng cao khiến cho người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Khâu lưu thông cũng bị ảnh hưởng khiến cho các loại rau tại các tỉnh Hai Dương, Hưng Yên…bị dư thừa. Thị trường xuất khẩu đối với mặt hàng nông sản cũng vướng các rào cản kỹ thuật ở các thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc.

Các phát biểu về tháo gỡ các vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm lĩnh vực trồng trọt, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm từ động vật, các sản phẩm lĩnh vực thủy sản, quy định quản lý an toàn thực phẩm đối với nông sản trong điều kiện dịch Covid-19. Trong đó, để thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm lĩnh vực trồng trọt, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật kiến nghị các địa phương tăng cường tập huấn cho nông dân về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, quản lý dịch hại tổng hợp; tăng cường công tác quản lý kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; quản lý chặt chẽ vùng trồng, cơ sở đóng gói; tăng cường thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; phối hợp với Cục bảo vệ thực vật để thúc đẩy việc xây dựng nền tảng kỹ thuật số.

Lãnh đạo Cục Thú y đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo xây dựng, phê duyệt, bố trí kinh phí và triển khai kế hoạch, đề án xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, trong đó, tập trung xây dựng các vùng cấp huyện, liên huyện hoặc tỉnh an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn OIE. Quy hoạch và phát triển chăn nuôi theo vùng sản xuất, gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ sản phẩm. đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng và kiểm soát dịch bệnh đảm bảo không để phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi, đặc biệt là đối với các dịch bệnh quan trọng, có ảnh hưởng đến thương mại sản phẩm động vật và sản phẩm động vật theo khuyến cáo của OIE.

Với tỉnh Tây Ninh, từ đầu năm đến nay, tình hình cung ứng lương thực thực phẩm tương đối ổn định, chủ yếu phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước. thị trường xuất khẩu còn hạn chế do dịch bệnh. Sức mua trái cây giảm. Với ngành điều, hiện không xuất khẩu được, hàng tồn kho chiếm 40% và giá giảm 30% so với giá lúc chưa có dịch bệnh.

Kết luận hội nghị, Thứ Trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các cơ quan chức năng các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục theo dõi, nắm bắt thông tin để tham mưu cho Bộ có giải pháp kịp thời giải quyết những vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải; kết nối thường xuyên để vướng nào gỡ cái đó, để không ảnh hưởng đến tiêu thụ hàng hóa; có quy trình hướng dẫn bảo quản nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn vận chuyển, theo đúng quy định an toàn phòng chống dịch bệnh.

Thứ trưởng giao Trung tâm Xúc tiến thương mại là đơn vị đầu mối của Bộ trong kết nối doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản, chủ động liên hệ với các địa phương để thực hiện việc kết nối. Các địa phương cũng cần chủ động liên hệ với cơ quan chuyên môn của Bộ để thực hiện việc này. Thứ trưởng cũng yêu cầu các cục thuộc Bộ quan tâm tháo gỡ rào cản, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với xuất khẩu, để tháo gỡ những khó khăn, tăng lượng hàng xuất khẩu trong thời gian tới với điều kiện dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

QN


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây