Các giải pháp nâng cao chỉ số, cải thiện vị trí xếp hạng hành chính của tỉnh, giai đoạn 2021-2025

Thứ ba - 01/06/2021 22:00 133 0
Chiều ngày 01/6, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố lấy ý kiến đối với Đề án cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp hạng đối với các Chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS và ICT INDEX, giai đoạn 2021-2025.


Đồng chí Trương Văn Hùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh thông qua dự thảo Đề án

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe thông qua báo cáo kết quả các Chỉ số PCI, PAPI, ICT Index của tỉnh năm 2020 và thông qua dự thảo Đề án cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp hạng đối với các Chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS và ICT INDEX, giai đoạn 2021-2025.


Quang cảnh cuộc họp

Theo đánh giá, Chỉ số PCI năm 2020 của tỉnh Tây Ninh xếp hạng thứ 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. So với năm 2016, mặc dù về điểm số tăng (4.03 điểm) nhưng đã giảm 4 bậc so với năm 2016.

Từ năm 2016 đến năm 2019, Tây Ninh được xếp vào nhóm Tốt, là một trong 20 tỉnh đứng đầu cả nước. Tuy nhiên đến năm 2020, chỉ số này của Tây Ninh có sự tụt hạng mạnh (giảm 9 bậc so với năm 2019). Đáng lo ngại là PCI của Tây Ninh từ nhóm Tốt đã bị giảm xuống nhóm Khá.

Chỉ số PAPI năm 2020 của Tây Ninh xếp hạng thứ 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 31 bậc so với năm 2016, xếp vào nhóm thấp nhất gồm 15 tỉnh, thành phố trong cả nước. So với những năm trước, trong 2 năm gần đây thì PAPI của Tây Ninh đã không còn tiêu chí nào được xếp hạng ở mức "Cao nhất". 

Đối với Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) cũng có hạn chế. Chỉ riêng Chỉ số ICT INDEX là có bước tiến vượt bậc, năm 2020, Tây Ninh đứng thứ 9, lần đầu tiên vào top 10 của cả nước.

Đề án đề ra mục tiêu duy trì, cải thiện, nâng cao điểm số và vị trí xếp hạng đối với các chỉ số phản ánh nền hành chính của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thuộc nhóm Tốt. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thuộc nhóm "Trung bình cao". Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) thuộc nhóm 30 tỉnh dẫn đầu về Chỉ số Cải cách hành chính. Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), đạt mức độ hài lòng của người dân và tổ chức cao hơn mức trung bình cả nước. Chỉ số Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (ICT INDEX) thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.


Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại cuộc họp

Sau ý kiến của các sở, ngành, địa phương, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng kết luận cuộc họp, đề nghị Văn phòng UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh Đề án, nhất là ý kiến về cơ sở pháp lý, tiếp tục thực hiện theo quy trình ban hành Đề án.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị, để thực hiện đạt mục tiêu của Đề án các ngành cần quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, phân công, nhất là quan tâm đến các chỉ số thành phần về tính minh bạch, chi phí không chính thưc, hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận đất đai; tiếp tục nghiên cứu quy trình cấp chủ trương đầu tư, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các ngành cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong thực hiện để giải quyết các điểm nghẽn về đầu tư, đất đai, quy hoạch; cần có sự phối hợp tốt giữa các ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.

XV


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây