Chủ trì tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có đồng chí Nguyễn Thị Xuân Hương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các báo cáo viên cấp tỉnh, lãnh đạo các cơ quan báo chí, đại biểu các văn nghệ sĩ.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng triển khai các nội dung chủ yếu của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Trong đó, tập trung phân tích các giải pháp cần thực hiện như: Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa; Hoàn thiện thể chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý; Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa; Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa; Tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vự văn hóa; Phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển trong lĩnh vực văn hóa.
Các phát biểu tham luận tại hội nghị làm rõ hơn các vấn đề về động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay; xây dựng môi trường văn hóa-nhiệm vụ quan trọng để phát triển văn hóa con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam - thực trạng và giải pháp…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Hội nghị có sức hút to lớn với nhiều bài tham luận, hiến kế, để có thể thực hiện đạt được mục tiêu đề ra.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu kết luận hội nghị. (ảnh: chinhphu.vn)
Phó Thủ tướng mong muốn sau hội nghị này, tất cả mọi người - không chỉ những người làm công tác văn hóa - mà toàn dân dù làm gì, ở đâu, dân tộc nào, tín ngưỡng, tôn giáo nào, đang ở trong nước hay nước ngoài đều được truyền cảm hứng, trách nhiệm và niềm tin để cho văn hóa nước nhà phát triển rực rỡ hơn, và để cho đất nước ta phát triển nhanh và bền vững hơn. Tinh thần này sẽ thường xuyên được nhắc lại, được cập nhật.
Nhắc lại nội dung nổi bật trong Chiến lược phát triển văn hóa, Phó Thủ tướng cho rằng, quan trọng là góp phần khơi dậy khát vọng trong toàn dân, tiếp tục tạo nên động lực, phát huy sự sáng tạo của toàn dân để phát triển nhanh, bền vững hơn. Trong kỷ nguyên mới, khoa học công nghệ, cần hội nhập, học hỏi để trau dồi cho nền văn hóa của Việt Nam; trong không gian số, tiếp thu văn minh của nhân loại nhưng không mất gốc; cổ vũ cho sự sáng tạo, cổ vũ cái mới, tôn trọng các ý kiến khác, thậm chí khác biệt nếu không đi ngược lại lợi ích dân tộc.
Phó Thủ tướng còn đề cập đến việc xây dựng con người, bởi nói đến văn hóa là nói đến con người, mà nói đến con người phải nói đến giáo dục; phải cùng nhau, cùng ngành giáo dục thực hiện bằng được mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo với sự kiên trì cần thiết; thực hiện thật tốt văn hóa làm gương.
"Các cấp, các ngành bằng những hành động cụ thể, cần chú trọng hơn đến văn hóa, dành cho văn hóa nhiều thời gian nguồn lực hơn…Mong tất cả mọi người lan toả tinh thần đề cao giá trị truyền thống của dân tộc, của người Việt Nam, bồi dưỡng thêm tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc và chúng ta tin, chúng ta có thể xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, vì hạnh phúc của nhân dân và nền văn hóa, văn hiến của Việt Nam sẽ tươi sáng, hòa vào dòng chảy của văn minh nhân loại" - Phó Thủ tướng bày tỏ.
Song Trần