Dự thảo Luật Thủy lợi gồm 9 chương, 72 điều quy định các hoạt động về thủy lợi; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động về thủy lợi; quản lý Nhà nước về thủy lợi.
Ông Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh phát biểu ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị. |
Tại hội nghị, đa số các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Thủy lợi. Tuy nhiên, các đại biểu cũng có góp ý Quốc hội cần xem xét và làm rõ những quy định về mức giá cung cấp dịch vụ thủy lợi, cũng như phương pháp quản lý để đạt hiệu quả cao.
Đối với quy hoạch thủy lợi, đại biểu cho rằng: cần phải gắn liền quy hoạch thủy lợi với quy hoạch thủy điện để đảm bảo được cả việc sử dụng nước cho thủy điện và nước tưới tiêu cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Đối với các công trình thủy lợi thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, dự thảo Luật cũng cần xác định rõ hành lang bảo vệ công trình thủy lợi và cũng nên có những chế tài cụ thể đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi.
Trong dự thảo Luật cũng chưa nêu rõ việc quản lý chất lượng của nước thủy lợi phải theo quy chuẩn nào để đảm bảo được môi trường; dự thảo Luật vẫn còn có quá nhiều cụm từ, khái niệm nêu một cách chung chung không rõ ràng, dẫn đến sự lấp lửng, dễ gây hiểu nhầm.
Tại điểm b, điều 17 của dự thảo Luật nêu: “đối với công trình ngăn sông phải có giải pháp đảm bảo yêu cầu giao thông thủy, thoát lũ, bố trí đường đi cho cá và tạo dòng chảy tối thiểu”, đại biểu cho rằng như vậy là chưa đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế trong thời gian qua, đại biểu góp ý cần bổ sung và chỉnh sửa: “đối với công trình ngăn sông phải có giải pháp đảm bảo yêu cầu giao thông thủy, thoát lũ, phục vụ nước sinh hoạt đời sống và sản xuất của người dân tại vùng hạ du”. Điều 65 dự thảo Luật nêu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong vấn đề quản lý và khai thác thủy lợi, thế nhưng lại không nêu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi các đơn vị tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác để sự cố xảy ra như vậy là chưa hợp lý...
Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Thanh Phương đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đại biểu, và cho biết Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu để trình Quốc hội nhằm bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Luật, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Theo BTNO