Quang cảnh buổi làm việc
Tiếp và làm việc với đoàn, có đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan, UBND huyện Hòa Thành và thành phố Tây Ninh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo công tác chỉ đạo, điều hành và tình hình thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia năm 2019. Qua đó cho thấy, thời gian qua, UBND tỉnh, huyện, thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các chương trình. Tổng kế hoạch vốn đầu tư chương trình năm 2019 là hơn 2.144 tỷ đồng. Đến tháng 10/2019, trên địa bàn tỉnh có 36/80 xã đã được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 45% số xã toàn tỉnh. Phấn đấu đến cuối năm 2019, tỉnh có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới lên 42 xã, chiếm 52,5% số xã toàn tỉnh. Việc phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân cũng được tỉnh quan tâm.
P
hó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mấy báo cáo tại buổi làm việc
Với Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Tây Ninh đã thực hiện các chính sách giảm nghèo như chăm lo cho người nghèo nhân các dịp lễ, tết với hàng chục ngàn phần quà; hỗ trợ tiền điện cho hơn 7.600 hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí hơn 2,9 tỷ đồng; tạo điều kiện cho trên 1.700 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi với nguồn vốn hơn 49 tỷ đồng. Ngoài ra, có hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở. Các địa phương đang triển khai thực hiện 25 dự án, trong đó có 16 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho các xã thuộc Chương trình 135 và 9 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho các xã ngoài Chương trình 135.
Theo kết quả sơ bộ năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh còn 5.285 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,69%, giảm 0,85% so với năm 2018. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo để chăm lo đời sống cho các đối tượng yếu thế này.
Về triển khai Luật Hợp tác xã, trong số 130 hợp tác xã trên địa bàn có 123 hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã, dần phát huy hiệu quả. Các hợp tác xã ngày càng đóng vai trò quan trọng, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp đã phát huy được vai trò của mình trong tập hợp, vận động nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, cùng xây dựng nông thôn mới.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thành Tiễn báo cáo tại buổi làm việc
Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo tình hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới năm 2019. Tính đến đầu tháng 11 năm nay, các địa phương đã khai giảng được 119 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với hơn 3.700 học viên tham gia, đạt 89,25% so kế hoạch. Sau khi hoàn thành khóa học, có hơn 81% học viên có việc làm. Về công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã, giai đoạn 2010-2015, tỉnh tổ chức được 35 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 2.740 cán bộ, công chức cấp xã. Giai đoạn 2016-2020, tính đến cuối tháng 10/2019, đã tổ chức 28 lớp cho hơn 2.000 cán bộ, công chức cấp xã học tập.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đài Thy phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Về triển khai thực hiện chiến lược và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành nội vụ, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch phát triển nhân lực trong đó có quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực ngành Nội vụ, góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của tỉnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Hiện, tổng số nhân lực ngành nội vụ là 135 người, không ngừng phát triển về nhiều mặt. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học ngày càng tăng. Hiện nay, tỷ lệ này là 14.8% trên tổng số nhân lực ngành Nội vụ của tỉnh. Nhìn chung, nhân lực của ngành đảm bảo về số lượng, chất lượng, được đào tạo cơ bản về trình độ chuyên môn, có phần chất chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống lành mạnh, có tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm cao trong công tác.
Các thành viên đoàn công tác Bộ Nội vụ phát biểu ý kiến
Các thành viên Đoàn công tác nêu nhiều ý kiến đề cập những vấn đề cần làm rõ xung quanh 3 nội dung chính của buổi làm việc, như tình hình giao biên chế của tỉnh đối với các huyện, thành phố; công tác tuyên truyền về nông thôn mới; việc tăng cường bồi dưỡng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tình hình sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế và tỉnh giản biên chế; thực hiện liên thông giải quyết thủ tục hành chính…
Đoàn cũng ghi nhận, năm 2018, Tây Ninh xếp thứ 59/63 tỉnh thành về tỷ lệ hộ nghèo, tức là có tỷ lệ hộ nghèo thấp và đánh giá Tây Ninh là một trong những tỉnh thực hiện tốt công tác giảm nghèo với việc ban hành thêm nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo thực hiện an sinh xã hội.
Đồng chí Hà Thị Dung - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Bộ Nội vụ phát biểu kết luận buổi làm việc
Đồng chí Hà Thị Dung - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Bộ Nội vụ phát biểu kết luận buổi làm việc, ghi nhận những kết quả tỉnh Tây Ninh đã đạt được trong năm 2019 theo ba nội dun của Đoàn kiểm tra. Đồng chí cho rằng, kết quả đạt được Chương trình mục tiêu quốc gia đúng theo tinh thần mục tiêu của Ban Chỉ đạo Trung ương, đánh giá một cách hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững. Việc triển khai luật Hợp tác xã được tham mưu ban hành kịp thời, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác và các chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã đủ mạnh. Xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Nói đến công tác đào tạo cho công chức xã, đồng chí đề nghị khi xây dựng các chuyên đề đào tạo cho công chức cấp xã nên căn cứ vào vị trí việc làm, nhu cầu của địa phương để đào tạo cho sát và đánh giá bằng được hiệu quả của đào tạo nghề. Khi đào tạo cho công chức cấp xã thì phải căn cứ vào hiệu quả và chất lượng của đội ngũ công chức cấp xã để có kế hoạch thực hiện.
Về Chiến lược và quy hoạch ngành Nội vụ, đồng chí nhận định, UBND tỉnh có chính sách, có lộ trình, có bước đi phù hợp thu hút nguồn nhân lực, tạo sự đột phá trong công tác tuyển dụng, đào tạo, sử dụng đề bạt bổ nhiệm công chức có năng lực, có phẩm chất đạo đức, tâm huyết với ngành. Đồng chí cũng đề nghị tỉnh chú trọng đào tạo kỹ năng, đào tạo công vụ trong triển khai và thực thi công vụ, chú trọng thi tuyển công chức, công chức lãnh đạo và chất lượng khâu thi tuyển phải được coi trọng, từ đó, sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới nâng cao hiệu quả công việc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến tiếp thu những đóng góp của đoàn công tác
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến tiếp thu những đóng góp của đoàn công tác và cho biết sẽ nghiêm túc chỉ đạo các sở ngành chức năng khắc phục những hạn chế đã được đoàn góp ý, sẽ luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và Chiến lược Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Nội vụ trên địa bàn tỉnh ngày càng được hiệu quả, chất lượng cao.
XV