Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu tại buổi làm việc.
Tiếp đoàn, có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc và các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại Tây Ninh.
Ông Phạm Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại Tây Ninh) cho biết, trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh xảy ra 85 vụ thiên tai, tổng giá trị thiệt hại hơn 13,3 tỷ đồng. Riêng, từ đầu năm đến ngày 26/7/2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 vụ thiên tai, tổng giá trị thiệt hại hơn 1,4 tỷ đồng, trong đó, vụ thiên tai điển hình xảy ra ngày 5/5/2016 tại huyện Tân Châu làm thiệt hại hoàn toàn 250 ha cây công nghiệp dài ngày, giá trị thiệt hại 500 triệu đồng.
Theo ông Yên, hình thức thiên tai điển hình xảy ra trên địa bàn tỉnh là giông, lốc, mưa lớn gây ngập, lốc hậu quả như bão nhưng xảy ra trong phạm vi hẹp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng thời gian qua, Tây Ninh chưa có thiệt hại lớn do thiên tai nhưng tỉnh không hề lơ là trong công tác phòng chống thiên tai. Đặc biệt, tỉnh tập trung các giải pháp bảo vệ an toàn hồ, đập. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cũng nhìn nhận, mặc dù Tây Ninh rất chủ động trong phòng, chống thiên tai nhưng kinh nghiệm thì chưa nhiều.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Lê Tuấn đánh giá cao sự chủ động của Tây Ninh trong thực hiện các giải pháp phòng chống thiên tai; kiện toàn ban chỉ huy phòng chống thiên tai; công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh rất kịp thời, chặt chẽ. Ông Tuấn đề nghị Tây Ninh chú ý diễn tập những tình huống xảy ra thiên tai thảm họa; tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ huy các cấp, rà soát bổ sung các phương án ứng phó với nguy cơ thiên tai; chú trọng công tác tuyên truyền cho người dân biết điều kiện khí hậu thời tiết để hạn chế thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi;...
Vũ Hải