Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số

Thứ ba - 20/09/2022 12:00 307 0
Chiều ngày 19/9, đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh (BCĐ tỉnh) chủ trì hội nghị trực tuyến BCĐ tỉnh tháng 9 nhằm đánh giá kết quả công tác này trong 9 tháng năm 2022. Hội nghị được trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố.


Quang cảnh hội nghị

Theo báo cáo của BCĐ tỉnh, từ đầu năm đến nay, công tác chuyển đổi số là một nội dung quan trọng mà các sở, ban, ngành quan tâm thực hiện, trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông với vai trò là Phó Trưởng BCĐ tỉnh, đã tham mưu BCĐ tỉnh thực hiện nhiều nội dung, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số của tỉnh ngày càng sâu rộng trên các lĩnh vực.


Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Tấn Đức thông qua tình hình thực hiện công tác chuyển đổi số 9 tháng năm 2022

Đến nay, thống kê cho thấy, trong công tác phát triển hạ tầng số, Tây Ninh hiện có 70,65% tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh (835.000 dân số trưởng thành); 100% tỷ lệ hộ gia đình có người có điện thoại thông minh (329.898 hộ gia đình); 80,21% tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cáp quang (264.607 hộ gia đình). Tỷ lệ phủ sóng di động tới 100% ấp, khu phố; triển khai thử nghiệm hệ thống 5G của Tập đoàn Viettel tại thành phố Tây Ninh.


Các đại biểu phát biểu tại hội nghị

Sở Thông tin và Truyền thông bổ sung thêm các tiện ích phục vụ người dân và phục vụ lãnh đạo trên ứng dụng Tây Ninh Smart như: Hệ thống hỏi đáp trực tuyến, Hệ thống phản ánh hiện trường, Hệ thống camera giám sát vi phạm giao thông, Hệ thống Họp không giấy của tỉnh, Hệ thống giám sát thông tin trên môi trường mạng, Cổng dịch vụ công của tỉnh, Hệ thống hỗ trợ đầu tư, Hệ thống IOC của tỉnh.

Đặc biệt, hệ thống hỏi đáp trực tuyến của tỉnh giúp giải đáp những câu hỏi của người dân và doanh nghiệp tiện lợi, nhanh chóng. Hệ thống Tổng đài 1022 tiếp nhận phản ánh hiện trường của người dân đã được triển khai mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Trong 9 tháng năm 2022 đã có hơn 132.000 tài khoản đăng ký trên ứng dụng Tây Ninh Smart; 493 phản ánh, trong đó đã xử lý 380 phản ánh (tỷ lệ 77%), đúng hạn 275 phản ánh (tỷ lệ 72%).

Các sở, ngành cũng đang khẩn trương thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu, hoàn chỉnh một số phần mềm chuyên ngành hướng tới liên thông dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý, điều hành của tỉnh. Điển hình như ngành Nội vụ đang triển khai phần mềm quản lý cán bộ công chức viên chức, dự án "Hệ thống số hóa, quản lý và khai thác dữ liệu số"; ngành Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện đề án "Xây dựng Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường cấp tỉnh"; Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai xây dựng xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý ngành; ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc cây trồng...

Đối với việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, trong 9 tháng, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 28,61% (kế hoạch năm là 80%); Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 22% (kế hoạch năm là 50%); Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%. Tỷ lệ trả kết quả điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính đạt 9,5%. Tỷ lệ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trực tuyến đạt 100%.

Trên cơ sở chỉ đạo của Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh đã triển khai thí điểm Tổ công nghệ cộng đồng trên địa bàn, đến nay, tỉnh đã thành lập được 493 Tổ công nghệ số cộng đồng, trong đó có 481 Tổ cấp ấp, khu phố và 12 Tổ cấp xã, phường, thị trấn. Các thành viên của tổ được triển khai nhiệm vụ cơ bản về chuyển đổi số, đang dần phát huy hiệu quả.


Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong - Phó trưởng Ban thường trực BCĐ tỉnh phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong - Phó trưởng Ban thường trực BCĐ tỉnh đề nghị trong 3 tháng cuối năm, các đơn vị, địa phương cần tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh để tạo nền tảng cho phát triển; thống nhất thời gian cập nhật thông tin, dữ liệu các lĩnh vực vào hệ thống IOC của tỉnh, phục vụ cho công tác quản lý, điều hành.

Về việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đề nghị nên giảm thời gian nhận hồ sơ trực tiếp, tăng thời gian nhận hồ sơ trực tuyến trong tuần để người dân, tổ chức quen dần với việc thực hiện thủ tục hành chính trên không gian mạng.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc - Trưởng BCĐ tỉnh kết luận hội nghị

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc - Trưởng BCĐ tỉnh nhấn mạnh, việc tích hợp cơ sở dữ liệu của các ngành vào hệ thống IOC của tỉnh có vai trò rất quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tuy nhiên đến nay việc tích hợp này vẫn còn gặp một số khó khăn. Do đó, các ngành cần chủ động rà soát lại, tham khảo các cách làm hiệu quả, đề xuất xử lý vướng mắc để tạo sự liên thông, không chờ hướng dẫn của trung ương.

Cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ 3 tháng còn lại, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị để nâng cao vị trí của tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, trước tiên cần nâng cao nhận thức về thực hiện 3 trụ cột, gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Để làm được việc đó, các cơ quan thông tin, báo chí địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ đảng viên, các thành phần kinh tế, người dân thấy được lợi ích khi thực hiện chuyển đổi số, tích cực tham gia vào quá trình này.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương hoàn thiện cung cấp, cập nhật thông tin, kết nối dữ liệu dùng chung đến hệ thống IOC phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường mạng đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, hoàn thiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến để người dân, tổ chức thấy rõ tiện ích và tích cực tham gia.

QN


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây