Các Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam cùng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan. Hội nghị còn được trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho biết, từ năm 2021 đến nay, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật. Một số bộ, cơ quan thực hiện tốt việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh như: Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,... Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định của 9 bộ, cơ quan.
Từ nay đến tháng 9 năm 2023, các cơ quan hành chính nhà nước sẽ tập trung rà soát, đơn giản hóa đối với 59 TTHC/nhóm TTHC, trọng tâm ưu tiên trên 12 lĩnh vực, như Quản lý ngân sách nhà nước; Quản lý tài sản công; Quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên; Quản lý đầu tư công; Tổ chức bộ máy; Cán bộ, công chức, viên chức; Tổ chức chính quyền địa phương…
Đến nay, cả nước đã thành lập tổng số 11.700 Bộ phận Một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC. Tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, cơ quan, địa phương là 6.522 thủ tục. Số TTHC đưa ra thực hiện tại Bộ phận Một cửa các cấp đạt trung bình 96,9 %. Cổng Dịch vụ công quốc gia được khai trương và đưa vào vận hành từ tháng 12 năm 2019, đến nay đã cung cấp 3.805 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đã có hơn 2,8 triệu tài khoản đăng ký (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021).
Các nền tảng, hệ thống thông tin quan trọng Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được vận hành, phát triển góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc, chuyển đổi số trong khối cơ quan hành chính nhà nước và phục vụ chỉ đạo, điều hành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong công tác cải cách TTHC thời gian tới
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng những kết quả đạt được về công tác cải cách TTHC là rất đáng phấn khởi, trân trọng, góp phần trong công tác điều hành kinh tế-xã hội trong tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, thực tế, người dân, doanh nghiệp vẫn còn tốn chi phí đầu vào không cần thiết khiến chi phí đầu ra tăng cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm. Do đó, cần tiếp tục cải tiến, cải cách TTHC, rà soát TTHC để làm tốt hơn; quan tâm đúng mức đến công tác tuyên tuyền góp phần làm thay đổi ý thức, suy nghĩ, hành vi của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số, tăng tỷ lệ thực hiện giao dịch trực tuyến.
Thủ tướng chỉ ra một số hạn chế trong thực hiện cải cách TTHC. Đó là, một số lãnh đạo các cấp, nhất là người đứng đầu chưa thật sự quan tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính; chưa có lộ trình, mục tiêu cụ thể, rõ ràng. TTHC trong một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, nhất là liên quan đến đất đai, giáo dục, y tế; chưa huy động được sự tham gia của hiệp hội, doanh nghiệp, người dân vào quá trình cải cách. Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, 8 tháng năm nay, mới trên 18%, cần phải cố gắng thực hiện nhiều biện pháp, tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao tỷ lệ này vì lợi ích của doanh nghiệp, người dân.
Nhấn mạnh công tác chỉ đạo điều hành còn theo phương thức truyền thống, chưa đổi mới, Thủ tướng yêu cầu, khi tình hình thay đổi thì phải có cách ứng xử phù hợp hơn, đổi mới tư duy, phương pháp tiếp cận để lãnh đạo điều hành quyết liệt hơn nữa, tăng tính cạnh tranh, tranh thủ thời cơ để vươn lên.
Thủ tướng còn đề nghị, phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là động lực, đánh giá hiệu quả thực hiện.
Cải cách TTHC, hiện đại hóa công tác chủ đạo, điều hành bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; nói phải đi đôi với làm và phải có kết quả cụ thể, thực chất, không hình thức; nhận rõ khó khăn, vướng mắc của người dân doanh nghiệp để điều hành hiệu quả.
Đẩy mạnh phân cấp phân quyền, cắt bỏ khâu trung gian, phân bổ nguồn lực hợp lý, đơn giản hóa TTHC.
Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao vai trò của người đứng đầu; chuyển trạng thái từ bị động sang chủ động, tạo ra sự thân thiện, hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp
Khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; sử dụng hệ thống dữ liệu, thông tin hiệu quả, thiết thực phục vụ công tác giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp và chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.
QN