Bộ Chính trị: Làm việc với Ban thường vụ Tỉnh uỷ về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020

Thứ ba - 25/08/2015 17:00 97 0
Ngày 24/8/2015, tại trụ sở Trung ương Đảng (Hà Nội), đại diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ do Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang dẫn đầu, cho ý kiến về dự thảo văn kiện và phương án nhân sự chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Cùng đi với đoàn có Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Minh Tân, Phó Bí thư – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hùng Việt và lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Văn phòng Tỉnh uỷ.

 

Trung uong Dang 4.JPG

Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang báo cáo tại buổi làm việc.

Đến dự và cho ý kiến chỉ đạo có ông Lê Hồng Anh – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư; đại tướng Trần Đại Quang – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Trần Quốc Vượng – Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cùng lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư…

Kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 – 2015, Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang cho biết, toàn nhiệm kỳ có 16/23 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đạt và vượt Nghị quyết, kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân hằng năm 10,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 2.630 USD (năm 2010: 1.357 USD). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá: nông – lâm – thuỷ sản: 28% (năm 2010: 39%); công nghiệp - xây dựng: 36% (năm 2010: 26%); dịch vụ: 36% (năm 2010: 35%). Giá trị sản xuất các khu vực kinh tế tăng khá.

Công tác xây dựng Đảng được chú trọng trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch, vững mạnh chiếm gần 81% (NQ: trên 80%); đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 95% (NQ 80%). Trong nhiệm kỳ, đã kết nạp 6.499 đảng viên; nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh lên 30.769 người, chiếm 2,79% so với dân số (NQ: trên 2,5%); trong đó, các xã biên giới kết nạp được 588 đảng viên, nâng tổng số đảng viên lên 2.611 người, chiếm 1,62% so với dân số (NQ: 1,5%); 35/35 (100%) doanh nghiệp nơi có đủ điều kiện đã thành lập chi bộ (NQ 80- 90%).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, trên từng lĩnh vực vẫn còn những hạn chế, yếu kém. 7/23 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội chưa đạt NQ. Kinh tế tuy tăng trưởng nhưng chưa bền vững, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; thương mại – dịch vụ chuyển biến chưa nhiều; thị trường xuất khẩu còn khó khăn; kinh tế cửa khẩu phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; môi trường đầu tư có mặt chưa thông thoáng...

Theo Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã xác định chủ đề của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020, đồng thời cũng là tiêu đề của Báo cáo chính trị là "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết, dân chủ; phấn đấu đưa tỉnh Tây Ninh phát triển nhanh, bền vững".

Về số lượng Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Tây Ninh có 9 đơn vị hành chính và 14 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh uỷ nên dự kiến là 51 uỷ viên, so với nhiệm kỳ trước giảm 04 uỷ viên. Dự kiến số lượng, nhân sự Ban thường vụ Tỉnh uỷ khoá X là 15 uỷ viên.

Tại buổi làm việc, đại diện Văn phòng Trung ương Đảng cũng đã thông báo tổng hợp ý kiến đóng góp từ các Ban Đảng, bộ, ngành Trung ương cho Dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh Tây Ninh.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Lê Hồng Anh nhấn mạnh, đối với Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ X, trong phần phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp 5 năm giai đoạn 2015 - 2020, Đảng bộ tỉnh cần nghiên cứu điều chỉnh giảm tỷ trọng khu vực nông – lâm – thuỷ sản của cơ cấu ngành kinh tế trong GRDP, nâng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ.

Bên cạnh đó, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu, trong nhiệm kỳ tới, Tây Ninh cần có các đột phá chiến lược để có giải pháp khai thác và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, lợi thế của tỉnh. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là tái cơ cấu nông nghiệp và thúc đẩy phát triển nông thôn. Thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt và chăn nuôi... Tiếp tục thực hiện cánh đồng lớn, vùng chuyên canh gắn với quy hoạch tốt sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hoá lớn. Trong xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ tỉnh nghiên cứu nâng chỉ tiêu phấn đấu hoàn thành lên 60% số xã trên toàn tỉnh.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, nhất là công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp phụ trợ; tập trung đầu tư và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và làng nghề, gắn với hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng và sử dụng đất; thúc đẩy thu hút doanh nghiệp đầu tư các công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh các sản phẩm dịch vụ, tập trung sản phẩm nông nghiệp; chú trọng phát triển kinh tế biên mậu... Đặc biệt, ông Lê Hồng Anh cho rằng, Tây Ninh rất có tiềm năng trong việc phát triển các loại hình du lịch, có điều kiện kết nối với các tỉnh Đông Nam bộ, nước bạn Campuchia và các nước trong khu vực ASEAN... do đó cần quy hoạch và đầu tư thoả đáng, bằng các biện pháp thu hút đầu tư vào các lĩnh vực du lịch có lợi thế, đưa du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, gắn phát triển du lịch của tỉnh với du lịch của vùng, theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm sản phẩm du lịch có thương hiệu và tính cạnh tranh.

Cần chú ý đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, thuỷ lợi, tạo sự liên kết giữa Tây Ninh và các tỉnh vùng đồng bằng Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tập trung đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm, chiến lược, làm động lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thúc đẩy hình thành đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Tây Ninh; mở rộng và nâng cấp quốc lộ 22...

Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong cấp uỷ; chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới đột phá về công tác cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội.

Trung uong Dang 8_.jpg

Ông Lê Hồng Anh cùng đại tướng Trần Đại Quang, bà Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn công tác Ban thường vụ

tỉnh Tây Ninh tại trụ sở Trung ương Đảng.

Ông Lê Hồng Anh cũng đã tán thành dự kiến số lượng nhân sự Ban chấp hành, Ban Thường vụ của Đảng bộ tỉnh khoá X và đề nghị Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nên chú ý tiếp thu những ý kiến đóng góp chân tình của các Ban Đảng, bộ ngành Trung ương cho dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Đặng Hoàng Thái


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây