Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022

Thứ bảy - 28/08/2021 22:00 160 0
Sáng ngày 28/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đến dự.


Các đồng chí lãnh đạo tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Võ Đức Trong - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc hội nghị, cho rằng, năm học 2020-2021 là năm học đầy khó khăn thách thức bởi dịch bệnh, thiên tai. Trước tình hình đó, Bộ đã chủ động, linh động xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên. Toàn ngành đã hoàn thành nhiệm vụ năm học, trong đó có một số kết quả tích cực.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn báo cáo tại hội nghị cho biết, để thích ứng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2020 - 2021 của ngành. Tăng cường thực hiện kế hoạch năm học, triển khai dạy học trực tuyến, kiểm tra, đánh giá, ôn thi tốt nghiệp THPT, về tổ chức hoạt động dạy và học, kết thúc năm học và tuyển sinh trong thời gian dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục đại học.

Các cơ sở giáo dục đã chủ động tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố điều chỉnh linh hoạt kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, tổ chức dạy học qua internet và trên truyền hình; điều chỉnh việc kiểm tra, đánh giá, hoàn thành kế hoạch năm học 2020 - 2021. Đối với các cơ sở giáo dục đại học, tỷ lệ giảng viên dạy học trực tuyến của nhiều trường đạt 80 - 90% tổng số giảng viên cơ hữu.

Cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố, 713/713 đơn vị cấp huyện, 99,3% đơn vị cấp xã (tăng 8,8% so với năm học 2015 - 2016) duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,78%, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non đạt 99,7%, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt 99,9%.

Triển khai Chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông 2018, Bộ GDĐT đã tổ chức thẩm định và phê duyệt danh mục SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6; chuẩn bị thẩm định SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 và tổ chức biên soạn SGK tiếng dân tộc

Năm học 2020 - 2021, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt tỷ lệ 100%, trong đó có 22/63 tỉnh, thành phố được Bộ GDĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt tỷ lệ 35% (tăng 5% so với năm học trước).

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98,6% (tăng 0,2% so với năm học trước). Tỷ lệ học học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT đạt 97,5% (tăng 1,5% so với năm học trước). Chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ huy động học sinh dân tộc thiểu số trong độ tuổi ra lớp tăng. Tỷ lệ học sinh bán trú cấp tiểu học hoàn thành cấp học đạt 99,1% (tăng 0,2%, so với năm học trước), học sinh bán trú cấp THCS hoàn thành cấp học đạt 93,5% (tăng 1,5% so với năm học trước).

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý giáo dục được đẩy mạnh, 100% các cơ sở GDĐT đã kết nối internet tốc độ cao, 100% các trường THPT có tối thiểu 01 phòng máy tính phục vụ giảng dạy môn Tin học và các thiết bị công nghệ thông tin khác phụ trợ công việc quản lý hành chính, 90% các trường sử dụng phần mềm quản lý, trong đó hầu hết là phần mềm quản lý theo mô hình trực tuyến. Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tiếp tục được nâng cấp và thu thập đầy đủ dữ liệu của gần 50.000 trường học mầm non, phổ thông; gần 23 triệu học sinh; hơn 1,4 triệu giáo viên.

Bên cạnh đó, nhiều trường học có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị trở thành điểm cách ly tập trung, sẵn sàng đón tiếp người trong diện cách ly. Nhiều đại học, trường đại học đã tổ chức đoàn cán bộ, giảng viên, sinh viên tình nguyện lên đường chi viện cho các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch. Nhiều thầy giáo, cô giáo tình nguyện vào khu cách ly cùng học sinh, tham gia các hoạt động quyên góp, ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch.

Tại hội nghị, các địa phương phân tích, đánh giá, làm rõ những mặt được và hạn chế trong triển khai nhiệm vụ năm học vừa qua, khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp; đồng thời kiến nghị xem xét ban hành quy chế hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên-giáo dục nghề nghiệp cấp huyện; xem xét bố trí đảm bảo biên chế đảm bảo thực hiện hoạt động dạy học; quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất thiết bị dạy học; đề nghị lùi thời gian thực hiện chương trình SGK lớp 10 cho phù hợp hơn…


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi các thầy cô, phụ huynh, học sinh và toàn thể nhân dân nêu cao tinh thần chống dịch và "tất cả vì tương lai con em chúng ta". (ảnh chinhphu.vn)

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khen ngợi thành quả chung của cả ngành Giáo dục trong năm học qua, có hàng vạn tấm gương sáng, vượt khó trong học tập; tinh thần tích cực tham gia chống dịch của các thầy giáo cô giáo, nhất là thầy cô giáo, sinh viên ngành y. Đồng thời chia sẻ những khó khăn, vất vả của ngành Giáo dục, của tất cả học sinh, sinh viên và phụ huynh trên cả nước trong cơn dịch bệnh Covid-19.

Thủ tướng cũng chỉ rõ một số hạn chế khác trong ngành Giáo dục được xã hội rất quan tâm. Đó là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền một số nơi, một số lúc chưa ngang tầm với vị trí, vai trò "quốc sách hàng đầu" giáo dục. Vẫn còn hiện tượng bệnh thành tích trong giáo dục. Chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo đại học đã có tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ 4, yêu cầu hội nhập quốc tế. Đời sống giáo viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn. Tình trạng học thêm, dạy thêm vẫn còn phổ biến; học chưa gắn với hành. Chưa đặt đúng tầm công tác giáo dục về truyền thống lịch sử, văn hóa, các giá trị tốt đẹp của dân tộc…

Thủ tướng đề nghị ngành Giáo dục và các địa phương phải có cách làm, kế hoạch giải quyết các vấn đề trên một cách khả thi, phù hợp, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.

Về kế hoạch của năm học 2021-2022, Chính phủ sẽ có giải pháp năm học mới đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vaccine. Việc trường học hoạt động trở lại bình thường là mong ước của tất cả học sinh, sinh viên, giáo viên và phụ huynh học sinh. Từng bước quyết liệt thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng của các bậc học, theo phương châm "lấy học sinh làm trung tâm, lấy nhà trường làm nền tảng, lấy thầy giáo làm động lực".

"Bộ GDĐT tính toán nhu cầu từng lứa tuổi, phối hợp với Bộ Y tế để có thể tiêm sớm nhất cho các cháu. Các cháu được tiêm đủ 2 mũi có thể học bình thường kèm biện pháp chống dịch khác như nhiều nước trên thế giới đang triển khai", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ GDĐT triển khai tiêm vaccine cho trẻ em. Bộ Y tế quy định độ tuổi tiêm các loại vaccine để tính toán phân bổ, có kế hoạch tiêm vaccine phù hợp. "Chúng ta làm tất cả nhưng gì có thể làm được để các cháu được tiêm vacicne", Thủ tướng nhấn mạnh. Tiếp tục rà soát, bổ sung sớm cho những nơi thiếu vaccine cho giáo viên. Đồng thời với việc tiêm vaccine, cần bảo đảm các điều kiện vật chất và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch khác khi học sinh trở lại học bình thường, an toàn.

Các địa phương không có dịch (vùng xanh) chủ động phương án cho học sinh quay lại trường học nhưng có biện pháp kiểm tra, sàng lọc, đảm bảo môi trường và có biện pháp phòng chống dịch phù hợp, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được.

Đối với "vùng đỏ" và "vùng vàng", giải pháp trước mắt là học sinh vẫn phải học trực tuyến. Bộ GDĐT cần có hướng dẫn cụ thể, có chương trình dạy và học phù hợp. Lãnh đạo địa phương cần hết sức lưu tâm dành các nguồn lực để hỗ trợ các trường hợp học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, đảm bảo sự công bằng trong học tập không để ai bị bỏ lại phía sau, các cháu bị thất học.

Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi các thầy cô, phụ huynh, học sinh và toàn thể nhân dân nêu cao tinh thần chống dịch "mình vì mọi người, mọi người vì mỗi người " và thông điệp "tất cả vì tương lai con em chúng ta".

XV


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây