Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cùng lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị trao đổi, thảo luận, đưa ra các ý kiến đóng góp với các quy định về tài chính đất đai, các quy định khác có liên quan đến nội dung tài chính về đất đai tại dự thảo luật.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, sau gần 10 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai nói chung và tài chính đất đai nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo lập hành lang pháp lý tương đối đồng bộ, chặt chẽ cho việc huy động, khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả. Trong đó, chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai từng bước được hoàn thiện, là cơ sở để huy động các khoản thu vào ngân sách nhà nước (số thu từ đất đai giai đoạn từ năm 2013 - 2020 trung bình khoảng gần 160.000 tỷ đồng/năm, chiếm trung bình khoảng hơn 15% tổng thu ngân sách nhà nước). Chính sách ưu đãi về thuế, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã góp phần quan trọng thu hút đầu tư, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn. Chính sách đất đai về nhà ở xã hội đạt được một số kết quả quan trọng. Khung giá đất và bảng giá đất được xây dựng theo quy định, có tính đến giá đất phổ biến trên thị trường.
Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng nhưng sau thời gian gần 10 năm thi hành, các quy định tại Luật Đất đai năm 2013, trong đó có các quy định về tài chính đất đai chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn. Theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2021 của Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ ra một số hạn chế cụ thể như sau: Chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai chưa thực sự khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; chưa hạn chế được tình trạng lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai, cơ cấu nguồn thu từ đất chưa bền vững. Các phương pháp định giá, đấu giá quyền sử dụng đất còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế. Giá đất được xác định thường thấp hơn nhiều so với giá đất trên thị trường. Chưa xử lý triệt để tình trạng xây dựng giá đất giáp ranh giữa các địa phương,… Để giải quyết những hạn chế nêu trên, Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp.
Nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, khắc phục những hạn chế, bất cập sau gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ ngành liên quan xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Dự thảo Luật gồm 16 chương, 236 điều, trong đó có 01 chương (18 điều, từ Điều 147 - Điều 164) quy định về vấn đề Tài chính đất đai, giá đất, quy định các nguyên tắc, nội dung cơ bản về các khoản thu tài chính từ đất đai và giá đất. Ngoài ra, dự thảo Luật còn có các quy định không phải về tài chính về đất đai nhưng ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề này như: Phân loại đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; công nhận (cấp Giấy chứng nhận) quyền sử dụng đất; đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; bồi thường, giải phóng mặt bằng…
Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đánh giá cao các ý kiến tham gia tại hội nghị, các ý kiến đã thể hiện sự tâm huyết và nghiên cứu kỹ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), làm cơ sở để Bộ Tài chính tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến về các quy định liên quan đến vấn đề tài chính đất đai trong dự thảo Luật và các vấn đề khác có liên quan thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
DP