Ban Chỉ đạo “Phòng chống bệnh khảm lá sắn”: xây dựng mô hình sản xuất các giống có khả năng chống chịu tốt, giống sạch bệnh, tiếp tục hỗ trợ tạo giống kháng bệnh

Thứ tư - 25/11/2020 18:00 276 0
Ngày 24/11/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị họp Ban Chỉ đạo “Phòng chống bệnh khảm lá sắn” tại tỉnh Tây Ninh. Đồng chủ trì hội nghị có ông Lê Quốc Doanh, Trưởng Ban chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh; ông Hoàng Trung Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật cùng các thành viên Ban chỉ đạo “Phòng chống bệnh khảm lá sắn”, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của trung ương, các tỉnh, thành phố có diện tích sắn bị bệnh khảm lá.

Quang cảnh hội nghị

Hội nghị diễn ra nhằm đánh giá công tác chỉ đạo phòng, chống bệnh khảm lá khoai mì (sắn); kết quả nghiên cứu và tiềm năng các dòng, giống khoai mì kháng bệnh khảm lá thực hiện tại Tây Ninh trong thời gian qua. Đồng thời đề ra các giải pháp phòng chống bệnh khảm lá khoai mì trong thời gian tiếp theo.

Đến ngày 18/11/2020 diện tích nhiễm bệnh khảm lá là 52.179,55 ha (tăng 22.963,85 ha so với CKNT), nhiễm nặng 7.174,5 ha. Bệnh đang gây thiệt hại tại 20 tỉnh như Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, An Giang, Tp.Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk , Lâm Đồng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế. Tổng số tỉnh đã từng bị nhiễm bệnh là 24 tỉnh. Bệnh phát sinh và gây hại chủ yếu trên các giống HLS11, KM419, KM98-5, KM60, SM 937-26, …


Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến phát biểu chào mừng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cho biết, cây sắn cũng là cây trồng chiến lược của tỉnh Tây Ninh, có diện tích canh tác khá lớn, bệnh khảm lá do virut gây hại được phát hiện gây hại lần đầu tại Tây Ninh vào tháng 5/2017 tại xã Tân Hà, huyện Tân Châu, sau đó bệnh lây lan nhanh qua hom giống, côn trùng môi giới là bọ phấn trắng, gây hại trên 90% diện tích sản xuất. Như vậy, Diện tích bị lây nhiễm hầu hết các vùng sản xuất trong tỉnh, làm thiếu hụt nguồn giống sạch bệnh nên các hộ nông dân đã dùng nguồn giống trong vùng dịch, giống nhiễm bệnh từ vụ trước để trồng, dẫn đến bệnh tiếp tục lây lan gây hại khó kiểm soát. Tính đến ngày 15/11/2020, toàn tỉnh đã xuống giống được 56.000 ha. Diện tích nhiễm bệnh là 43.331,1 ha, trong đó đã thu hoạch là 23.439 ha và diện tích nhiễm bệnh hiện còn trên đồng là 19.892,1 ha.

Tại hội nghị cũng được nghe báo cáo tình hình bệnh khảm lá sắn, đánh giá công tác chỉ đạo trong thời gian qua và giải pháp chỉ đạo trong thời gian tới; Báo cáo kết quả công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh khảm lá sắn tại địa phương, đánh giá tiềm năng của các giống sắn kháng bệnh khảm lá và kế hoạch triển khai giống kháng vào sản xuất. Báo cáo kết quả nghiên cứu và đánh giá các dòng, giống sắn kháng bệnh khảm lá.


Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh đề nghị Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt tiếp tục cập nhật tình hình, chỉ đạo phòng chống bệnh, phối hợp, hướng dẫn địa phương, các doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất các giống có khả năng chống chịu tốt, giống sạch bệnh, tiếp tục hỗ trợ các đơn vị, địa phương nghiên cứu, chọn tạo giống kháng bệnh có năng suất, chất lượng cao; Tổ chức tập huấn, thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho hộ nông dân và cơ sở sản xuất giống để kinh doanh nắm chắc Quy trình sản xuất giống sạch bệnh.

Duy Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây