Năm 2020, kinh tế Tây Ninh duy trì tăng trưởng

Thứ sáu - 20/11/2020 08:00 506 0
Sáng ngày 19/11, đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 11 thông qua nhiều nội dung quan trọng.


Cùng tham gia có đồng chí Võ Đức Trong - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng, Dương Văn Thắng, lãnh đạo các ban, ngành tỉnh. Hội nghị được trực tuyến đến các huyện, thị xã, thành phố.

Theo báo cáo do Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại hội nghị về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ bản năm 2020 và kế hoạch phát triển năm 2021, cho thấy, năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng các ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh đạt thấp, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều lĩnh vực gặp khó khăn.

Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện mục tiêu kép vừa quyết liệt phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo, điều hành tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, hồ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phát động phong trào thi đua giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Thực hiện chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến 31/10/2020, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 437 khách hàng với tổng dư nợ là 1.507 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho 2.554 khách hàng với tổng dư nợ 4.425 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường cho 2.989 khách hàng với số vốn vay là 8.182 tỷ đồng.

Tình hình kinh tế trong tỉnh đang dần tăng trưởng trở lại (6 tháng tăng 3,1%; cả năm tăng 3,9%). Tổng sản phẩm trên địa bàn ước thực hiện 51.032 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ, GRDP bình quân đầu người đạt 3.147 USD. Tỷ trọng nông - lâm - thủy sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ trong GRDP theo giá hiện hành ước đạt 21,5% - 43,3% - 30,3% (trong khi kế hoạch năm 2020: 21 - 22%; 41 - 42%; 32- 33%).

Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản (giá so sánh 2010) ước đạt 26.213 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp, ước đạt 97.326 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Giá trị các ngành dịch vụ, ước đạt 29.482 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ.

Doanh thu du lịch năm 2020 ước đạt 730 tỷ đồng, đạt 56% so với kế hoạch, giảm 34% so với cùng kỳ; số lượng khách lưu trú đạt 80% so với kế hoạch, giảm 19% so với cùng kỳ; có hơn 2,2 triệu lượt khách tham quan tại các khu, điểm du lịch, đạt 71 % so với kế hoạch, giảm 27% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 4.057 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 3.588 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 10.050 tỷ đồng, đạt 100,5% dự toán, tăng 4,7% so với cùng kỳ.


Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh phát biểu ý kiến tại hội nghị

Về xây dựng cơ bản, đến hết ngày 31/10/2020, tỉnh giải ngân 3.369,663 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 76,69% kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm và đạt 70,31% kế hoạch HĐND tỉnh điều chỉnh. Ước khối lượng thực hiện và giải ngân năm 2020 là 4.871,241 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch Thủ tướng Chính phủ và HĐND tỉnh giao đầu năm, đạt 98,63% kế hoạch HĐND tỉnh điều chỉnh, tăng 74,53% so cùng kỳ. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 582,29 triệu USD, giảm 51,5% so với cùng kỳ.

Về chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2020, tỉnh công nhận 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Hòa Thành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019. Dự kiến đến cuối năm 2020 có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 45/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 63,4%; Thành phố Tây Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; số tiêu chí bình quân/xã là 16,8 tiêu chí.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tể ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân hàng năm 7,2%. Cơ cấu kinh tể chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông - lâm - thủy sản trong GRDP. GRDP bình quân đầu người năm 2015 là 2.079 USD tăng lên 3.147 USD vào năm 2020.

Ngành công nghiệp tăng trưởng tốt và đóng góp cao nhất cho tăng trưởng kinh tế địa phương. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP năm 2015 đạt 28% đến năm 2020 đạt 37,8%, mức tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 là 14 9% tăng chủ yếu ở 6 ngành công nghiệp cùa tỉnh. Ngành thương mại - dịch vụ tiếp tục giữ vững kênh phân phối truyền thống, phát triển các loại hình thương mại hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, phục vụ sinh hoạt của dân cư. Mức tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,1%/năm.

Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 đạt 19.000 triệu USD, tăng bình quân 8%/năm. Kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 2016 - 2020 đạt 14.689 triệu USD, tăng bình quân 12,8%/năm.

Tình hình thu ngân sách đã có những chuyển biến tích cực, tổng thu ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 là 41.400.7 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân là 9,9%/năm, vượt nghị quyết; trong đó thu nội địa tăng bình quân là 13,1%/năm.

Tại hội nghị, các địa phương phân tích, làm rõ thêm những kết quả, những hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ để phấn đấu thực hiện hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2020 trong thời gian còn lại của năm, nhất là công tác thu ngân sách, giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản…


Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Đức Trong phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Đức Trong đề nghị cần đánh giá thật sát nguyên nhân của những hạn chế để tập trung đề ra biện pháp, nhiệm vụ cho giai đoạn tới; song song đó cần tính toán để có dự báo thu ngân sách năm 2021 cho sát hợp. Trong quá trình thực hiện cần rà lại Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Nghị quyết năm 2021, nhất là công tác quy hoạch, các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021 để đề ra các biện pháp thực hiện hợp lý hơn.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cho rằng, do tác động của tình hình dịch bệnh, lần đầu tiên giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt dưới 2 con số, tuy trong hoàn cảnh khó khăn, kinh tế tỉnh vẫn nổi lên 3 điểm sáng. Đó là có mức tăng trưởng sản xuất điện đạt cao; công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện rất tốt, góp phần ổn định sản xuất và thu ngân sách ước đạt dự toán đề ra.

Với nhiệm vụ thu ngân sách thời gian còn lại của năm khá nặng nề, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các địa phương cần tăng cường kiểm tra nợ đọng thuế, chống thất thu thuế, xử lý các hàng hóa tạm thu, tạm giữ, thực hiện tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tập trung đảm bảo đúng tiến độ thời gian thu ngân sách năm 2020.

Về nhiệm vụ giải pháp 2021 là năm đầu nhiệm kỳ, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương đổi mới tư duy hành động, có cách làm mới, quyết liệt từ cải cách thủ tục hành chính, tăng cường cải thiện môi trường thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng xây dựng cơ bản, phân khai vốn đầu tư ngay từ đầu năm.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu tại hội nghị

Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cơ bản thống nhất với nội dung của hai báo cáo được trình tại hội nghị, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung theo ý kiến đóng góp của các đại biểu, trong đó khi nghiên cứu các chỉ tiêu năm 2021 phải bám sát chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, cũng như tình hình, khả năng của địa phương cho phù hợp.

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2020, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là đại dịch Covid-19 nhưng tỉnh vẫn có có những điểm sáng. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có hiệu quả nhiệm vụ kép (phát triển kinh tế đi đôi với phòng chống dịch), tỉnh vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước với gần 4%.

Mặc dù có sự suy giảm về giá trị sản xuất của các ngành, nhưng vẫn tăng dù chậm hơn so cùng kỳ. Duy trì được mức xuất khẩu trên 4 tỷ USD. Đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 40,1% GRDP, cao hơn kế hoạch đề ra. Trong bối cảnh dịch bệnh, theo ước tính, Tây Ninh vẫn là một trong 20 tỉnh của cả nước đạt và vượt dự toán thu ngân sách năm 2020 đề ra; giải ngân xây dựng cơ bản nằm trong nhóm các tỉnh có tỷ lệ giải ngân khá tốt. Văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. An sinh xã hội được chăm lo tốt, tỷ lệ hộ nghèo kéo giảm đáng kể, không còn hộ nghèo tiêu chuẩn trung ương. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố.

Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, bên cạnh những mặt đạt được, còn có một số hạn chế, như còn một số chỉ tiêu cơ bản chưa đạt, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, giá trị sản xuất nông nghiệp tuy tăng nhưng đạt thấp, giải ngân vốn tuy tăng khá nhưng vẫn chưa tiệm cận với kế hoạch đề ra; thu hút đầu tư trong và ngoài nước giảm; công tác đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm thực hiện còn chậm…

Về một số nhiệm vụ trọng tâm, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh, Đại hội Đảng bộ các cấp, cần thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt triển khai ngay từ đầu những nhiệm vụ trọng tâm để tạo tiền đề cho các năm tiếp theo. Trong đó đề nghị các sở, ngành, địa phương xây dựng và triển khai các kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội, trong đó tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và kế hoạch năm 2021 ngay từ đầu năm; tiếp tục có giải pháp thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế; xác định, đánh giá rõ tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, của tỉnh để tập trung các giải pháp khai thác và nâng cao hiệu quả của tiểm năng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Triển khai thực hiện có hiệu quả 4 chương trình đột phá đã đề ra, triển khai đúng tiến độ các công trình dự án trọng điểm tại các địa phương, quyết tâm khởi động dự án đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài; dự án đường Đất Sét-Bến Củi, cảng Hưng Thuận, Khu du lịch Núi Bà…

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh còn yêu cầu các ngành, địa phương cần đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân và quyết toán, tất toán nguồn vốn xây dựng cơ bản; có giải pháp rà soát để bảo đảm khai thác có hiệu quả đúng, đủ các nguồn thu để tăng thu ngân sách; quan tâm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác trên địa bàn nhất là trong tình hình dịch bệnh; có giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường, nhất là nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch. Năm 2021, phải hoàn thành quy hoạch chung của tỉnh Tây Ninh để làm cơ sở phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các huyện phải bao đảm chặt chẽ, có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển địa phương, thu hút đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, riêng từ nay đến cuối năm, cần tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện hoàn thành đạt yêu cầu các chỉ tiêu của năm 2020, đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ kép, không được lơ là chủ quan mất cảnh giác trong phòng chống dịch; tập trung chủ động trong việc chuẩn bị các hoạt động chăm lo tết cho các đối tượng chính sách, người nghèo, tổ chức các hoạt động vui xuân đón tết đảm bao vui tươi lành mạnh, an toàn, tiết kiệm vừa bảo đảm phòng chống dịch bệnh; bảo đảm an ninh trật tự phục vụ yêu cầu Đại hội XIII của Đảng.

Tại hội nghị, các đại biểu còn thông qua các nội dung phê chuẩn quyết toán thu ngân sách nhà nuớc trên địa bàn, quyết toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2019; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn dự toán chưa phân bổ và nguồn phát sinh trong năm 2019; Báo cáo tình hình ước thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2021; về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 - nguồn ngân sách địa phương và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

XV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây