Quang cảnh buổi giám sát
Tham dự buổi giám sát có đồng chí Trần Văn Chiến - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các sở, ngành có liên quan.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, thời gian qua, công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai được các ngành, địa phương tổ chức thường xuyên và sâu rộng trong nhân dân bằng nhiều phương tiện thông tin đại chúng, tạo thuận lợi cho nhân dân trong công tác cập nhật, tra cứu văn bản, làm cơ sở cho việc thực hiện các thủ tục hành chính vê đất đai, đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, phát huy được tính hiệu quả trong quản lý nhà nước về đất đai.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Kiều Công Minh báo cáo với đoàn giám sát
Việc thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cũng được thực hiện, đặc biệt đối với việc kiểm kê diện tích đất trồng lúa, công tác cắm mốc đất trồng lúa. Kết quả, có 94/94 xã, phường, thị trấn, 9/9 huyện, thị xã, thành phố cơ bản hoàn thành kết quả kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019. Riêng ở cấp tỉnh đang tổng hợp cũng đã hoàn thành kết quả kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019, tới đây sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt.
Từ năm 2016, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, cơ bản đã xây dựng được mô hình cơ sở dữ liệu địa chính tập trung cấp tỉnh trên phần mềm Vilis2.0 kết nối giữa Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh với chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai của các huyện, thành phố phục vụ kê khai đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lưu trữ dữ liệu và tra cứu thông tin, kiểm tra, quản lý. Đến nay, cơ bản có 2 huyện đã xây dựng hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tương đối hoàn chỉnh là huyện Tân Biên và huyện Tân Châu. Tây Ninh cũng là 1 trong 33 tỉnh, thành phố trên cả nước đang thực hiện "Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (Dự án VILG) ". Khi Dự án này được hoàn thành, cơ sở dữ liệu đất đai sẽ được tích hợp đồng bộ, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương theo đề án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai được Chính phủ phê duyệt.
Công tác lập, quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Tây Ninh được triển khai đúng trình tự, nội dung pháp luật quy định và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Về công tác quản lý giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đến nay, đã triển khai thực hiện 23 dự án, tổng diện tích 32,02 ha; chưa triển khai thực hiện 110 dự án, tổng diện tích 227,21 ha. Nhìn chung, công tác giao đất, cho thuê đất ừên địa bàn tình được kiểm tra, rà soát chặt chẽ và từng bước khắc phục tình trạng nhiều dự án đầu tư sau khi được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, gây lãng phí đất đai góp phần đưa công tác quản lý đất đai ngày càng đi vào nề nếp. Công tác này được công khai, minh bạch, đáp ứng các điều kiện quy định trong pháp luật về đất đai; thực hiện nghiêm việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định; có biện pháp ngăn chặn được tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa (phân lô bán nên) trái phép. Cơ bản đảm bảo được an ninh trật tự, an toàn xã hội trong quản lý sử dụng đất. Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho tổ chức, cá nhân đạt cao.
Các thành viên đoàn giám sát đặt ra nhiều vấn đề đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai
Tại buổi giám sát, các thành viên đoàn giám sát đã nêu lên nhiều vấn đề để tập trung làm rõ, trong đó có nhiều quy hoạch dự án chậm triển khai ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất. Tính khả thi của các dự án này không cao, cần xác định nguyên nhân do đâu, trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Đề nghị làm rõ thẩm quyền của việc hủy bỏ các dự án này. Thực tế, mục đích sử dụng đất được ghi trong giấy chứng nhận và hiện trạng không khớp nhau, hướng xử lý vấn đề này như thế nào. Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển đô thị chưa tương thích với quy hoạch chung, quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông. Dù có cắm mốc đất lúa nhưng thực tế người dân đã chuyển đổi trồng cây lâu năm, không đảm bảo được diện tích đất lúa…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến phát biểu tại buổi giám sát
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến tiếp thu, giải trình một số vấn đề mà đoàn đặt ra, nhất là hướng giải quyết của lãnh đạo UBND tỉnh về các dự án chậm được triển khai, dự án nông nghiệp có thực hiện năng lượng mặt trời áp mái…Đồng chí nhấn mạnh, sau khi cơ quan chức năng rà soát thực tế sẽ có hướng xử lý cụ thể đối với từng trường hợp.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm phát biểu kết luận buổi giám sát
Kết luận buổi giám sát, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm cho rằng trong bối cảnh hệ thống pháp luật về đất đai có nhiều quy định lại, chưa ổn định và chưa thống bộ, thêm vào đó là điều kiện lịch sử về đất đai còn phức tạp cần phải xử lý, nhìn chung, công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua ngày càng chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, đảm bảo tuân thủ theo các quy định của pháp luật, từng bước giải quyết những tồn tại do lịch sử để lại, quan tâm khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý do các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chỉ ra.
Xác định đất đai là nguồn lực quan trọng, UBND tỉnh cũng đã tập trung quản lý vừa đảm bảo quy định của pháp luật, vừa tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong khai thác sử dụng đất đai đúng mục đích, phục vụ cho sản xuất đời sống của người dân, phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên trong quá trình quản lý về đất đai còn tồn tại một số hạn chế mà các thành viên đoàn giám sát đã nêu ra, đặc biệt là báo cáo khảo sát qua chuyến thực tế tại các huyện, thị xã, thành phố, đã chỉ ra 9 vấn đề kiến nghị với UBND tỉnh.
Trong thời gian tới để thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về đất đai, đồng chí Nguyễn Thành Tâm đề nghị UBND tỉnh cần tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai, cũng như tổ chức lại hệ thống quản lý nhà nước về đất đai từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thông qua đào tạo, bồi dưỡng, qua các cơ chế chính sách về đãi ngộ, đồng thời có cơ chế xử lý đối với những trường hợp cố tình vi phạm.
Bên cạnh đó, cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu về đất đai, hộ sơ đất đai theo hướng hiện đại hóa, để phục vụ tốt cho công tác quản lý cũng như khai thác thành nguồn lực trong phát triển.
Đối với những vấn đề về đất đai mà pháp luật chưa quy định rõ ràng hoặc phát sinh mới, các cơ quan tham mưu cần nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh, cần thiết báo cáo cấp ủy để có sự thống nhất về quan điểm và nhận thức để vận dụng, triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Đồng chí Nguyễn Thành Tâm khẳng định quan điểm của tỉnh trong thực hiện quản lý nhà nước về đất đai là phải đảm bảo quyền của người sử dụng đất đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, vẫn phải đảm bảo sự phát triển bền vững dù phục vụ cho mục tiêu trước mắt hay lâu dài.
XV