Đại biểu Nguyễn Thành Tâm |
Về chế độ chính sách của nhà nước đối với hoạt động xuất bản (điều 7), đại biểu đồng tình cao với việc bổ sung một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh, thông tin đối ngoại, phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, thiếu niên, nhi đồng, người khiếm thị. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc có chính sách cho phù hợp, sử dụng tốt hơn cơ chế thị trường, tránh cách làm bao cấp tràn lan, kém hiệu quả trong một số lĩnh vực, cụ thể: Đối với lĩnh vực in xuất bản phẩm (XBP) (khoản 3), đại biểu cho rằng không cần thiết phải có chính sách ưu đãi cho lĩnh vực này, vì hiện nay lĩnh vực in đã được xã hội hóa rất mạnh, các cơ sở in đã hoạt động đúng theo cơ chế thị trường cạnh tranh và hoạt động có hiệu quả. Do vậy, để có XBP được in có chất lượng các NXB có thể hoàn toàn hợp đồng in với thị trường mà không cần phải tự thực hiện bản in. Nếu muốn tự nâng cao chất lượng sản phẩm in, cơ sở in của NXB phải tự cạnh tranh đúng theo quy luật của thị trường mà không dựa vào sự hỗ trợ từ nhà nước; Đối với lĩnh vực phát hành XBP (điểm a khoản 4), đại biểu đề nghị bỏ quy định ưu tiên đầu tư quỹ đất và kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống cơ sở phát hành XBP tại các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, biên giới, hải đảo vì sẽ không hiệu quả trong việc tăng được lượng độc giả của các vùng này. Theo đại biểu, nguyên nhân làm cho người dân các vùng trên ít tiếp cận với XBP là do nhu cầu đọc còn hạn chế, giá sách thị trường có thể còn cao so với mức thu nhập của người dân.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung chính sách trợ giá thật hợp lý, đồng thời tăng cường hỗ trợ đưa XBP về cơ sở để khai thác điều kiện cơ sở vật chất sẵn có để phục vụ nhân dân.
Về các hành vi bị cấm (điều 10), từ thực tế những bất cập trong hoạt động xuất bản thời gian qua, bên cạnh việc bổ sung các quy định quản lý cụ thể trong dự thảo, đại biểu đề nghị bổ sung 2 điều cấm để làm cơ sở xử lý khi có vi phạm, đó là: Cấm việc để lọt (lộ) nội dung XBP trong quá trình biên tập, phê duyệt, in ấn và chuẩn bị phát hành làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu và các bên liên quan, không được phát hành XBP khi chưa đủ điều kiện quy định của Luật này; Cấm vi phạm hình thức, điều kiện và phạm vi liên kết xuất bản.
Về một số quy định trong các thủ tục hành chính, đại biểu đề nghị bỏ quy định người đứng đầu cơ sở in phải có nghiệp vụ in và có văn bằng hoặc chứng chỉ nghiệp vụ quản lý về in vì người đứng đầu cơ sở in có thể không điều hành trực tiếp nghiệp vụ mà chỉ lo về kinh doanh; quy định như trong dự thảo về văn bằng, chứng chỉ này cũng không rõ ràng về giá trị pháp lý, điều kiện và trách nhiệm của cơ quan đào tạo, bồi dưỡng và cấp bằng, chỉ làm phát sinh thêm thủ tục phiền hà, thậm chí tiêu cực trong tổ chức thực hiện (như là mua bằng).
Về điều kiện cấp phép hoạt động xuất bản, theo đại biểu, dự thảo quy định về “các điều kiện cần thiết khác” là chưa cụ thể, minh bạch, cần quy định rõ hơn.
Theo BTNO