Phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ- Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh: Không thể có nguy cơ “xoá sổ” rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng

Thứ tư - 17/10/2012 00:00 180 0
Thời gian gần đây, có một số báo, đài đưa tin về việc tỉnh Tây Ninh quy hoạch 365 ha đất rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng để làm vùng nguyên liệu phục vụ cho việc phát triển dây chuyền 2 của Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh. Để bạn đọc hiểu rõ về việc này, phóng viên Báo Tây Ninh đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Chủ tịch UBND tỉnh, nội dung như sau:

  Thưa Chủ tịch UBND tỉnh, trong tiến trình công nghiệp hoá tỉnh nhà, nhân dân Tây Ninh rất phấn khởi khi nền kinh tế địa phương mấy năm gần đây đã có thêm sự đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất công nghiệp của ngành Công nghiệp xi măng. Bà có thể cho bạn đọc Báo Tây Ninh biết thêm về quá trình triển khai Dự án Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh?

- Như quý bạn đọc đã biết, từ năm 2003 tỉnh Tây Ninh đã có chủ trương tiếp nhận đầu tư Dự án xây dựng Nhà máy xi măng nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và phát triển công nghiệp địa phương. Chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy xi măng Tây Ninh công suất 1,4 triệu tấn/năm đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, cho phép đầu tư và đồng ý bổ sung Dự án Nhà máy xi măng Tây Ninh vào danh mục Dự án thuộc Quy hoạch điều chỉnh phát triển Công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Tháng 11.2006, Dự án Nhà máy xi măng được khởi công xây dựng, đến tháng 12.2009 khánh thành và chính thức đi vào hoạt động sản xuất ổn định, bảo đảm theo đúng các quy định của giấy phép khai thác và tuân thủ công tác bảo vệ môi trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ (trái) kiểm tra công tác trồng rừng tại rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng.

Về chủ trương triển khai dây chuyền 2 của Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh là do: nhu cầu tiêu thụ xi măng của khu vực miền Nam rất cao, trong khi do đặc điểm địa lý phân bổ tài nguyên khoáng sản trên đất nước ta, hầu hết nguồn nguyên liệu đá vôi, đất sét cho sản xuất xi măng đều tập trung tại khu vực miền Bắc và miền Trung, do vậy các nhà máy xi măng chủ yếu được đầu tư ở khu vực này. Để đáp ứng nhu cầu xi măng tại khu vực miền Nam, hằng năm phải vận chuyển một lượng lớn xi măng, clinker từ Bắc vào Nam với chi phí rất lớn, riêng các tháng mưa bão và gió chướng thì hầu như không vận chuyển được. Trước tình hình đó, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xi măng ở khu vực phía Nam, Công ty Fico Tây Ninh xin đầu tư xây dựng dây chuyền 2 của Nhà máy xi măng.

Sau khi nghiên cứu báo cáo đầu tư dây chuyền 2 của Công ty Fico Tây Ninh, Bộ Xây dựng nhận thấy việc đầu tư mở rộng dây chuyền 2 Nhà máy Xi măng Fico Tây Ninh, công suất 4.000 tấn clinker/ngày có những thuận lợi như: Tổng mức đầu tư giảm do chỉ đầu tư mở rộng một số hạng mục đã đầu tư trong giai đoạn 1; được đầu tư tại một tỉnh có tiềm năng về nguyên liệu cho sản xuất xi măng, việc đầu tư dự án sẽ khai thác thế mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và khu vực; góp phần bình ổn thị trường miền Đông Nam bộ và đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh- thị trường tiêu thụ xi măng lớn nhất của cả nước; giảm bớt được chi phí vận chuyển clinker, xi măng từ khu vực phía Bắc vào; nguồn nguyên liệu chủ yếu cho sản xuất là đá vôi được dự kiến khai thác tại mỏ Sroc Tâm - Chà Và thuộc xã Tân Hoà và xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, Tây Ninh, do Liên đoàn bản đồ địa chất miền Nam thực hiện, kết quả cho thấy chất lượng và trữ lượng đá vôi, đất sét, laterit đạt yêu cầu để sản xuất ổn định trên 50 năm. Bên cạnh đó do vị trí địa lý của khu vực dự án Nhà máy nằm sát biên giới, nên việc triển khai dự án này còn có ý nghĩa đặc biệt về quốc phòng, theo chủ trương “Quốc phòng kết hợp với kinh tế - Kinh tế kết hợp với quốc phòng”, do việc thu hút dân cư, lao động công nghiệp, và giải quyết việc làm cho hơn 500 người dân vùng biên giới. Từ đó, Bộ đã trình và được Chính phủ chấp thuận bổ sung dự án dây chuyền 2 Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh vào Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Sau đó, trên cơ sở các nghiên cứu, dự báo, phân tích kết quả khảo sát tài nguyên khoáng sản của các cơ quan chuyên môn của Trung ương trên phạm vi toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đưa dây chuyền 2 của Nhà máy xi măng Tây Ninh triển khai ở giai đoạn 2016 – 2020 vào quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030.

 

Trồng rừng ở khu rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng.

 

 

- Về phía tỉnh, việc quy hoạch, bố trí sử dụng 365 ha đất lâm nghiệp ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp (giai đoạn 2011-2020) để làm vùng nguyên liệu cho dây chuyền 2 Nhà máy xi măng FICO Tây Ninh dựa theo căn cứ pháp lý nào, thưa bà Chủ tịch?

- Thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, UBND tỉnh có Công văn số 3633/UBND-KTN ngày 29.10.2008 gửi Bộ Tài nguyên - Môi trường đề nghị chuyển mục đích sử dụng 401,75 ha đất thuộc Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng để xây dựng dây chuyền 2 và khai thác khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất cho Nhà máy xi măng Tây Ninh. Ngày 21.11.2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 4693/BTNMT-TCQLĐĐ phúc đáp và nêu rõ: Về chủ trương, Chính phủ đã chấp thuận cho bổ sung dây chuyền 2 Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh vào quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất cuối kỳ của tỉnh Tây Ninh đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường thẩm định và trình Chính phủ tại Tờ trình số 38/TTr-BTNMT ngày 18.9.2008.

Trên cơ sở đề nghị tại Tờ trình số 38/TTr-BTNMT của Bộ Tài nguyên - Môi trường, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 16.11.2009 về việc xét duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối của tỉnh Tây Ninh, trong đó chuyển mục đích sử dụng 460ha đất rừng phòng hộ.

Theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29.8.2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 105/2008/QĐ-TTg ngày 21.7.2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 1065/QĐ-TTg ngày 9.7.2010 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020, quy hoạch nêu rõ vị trí 03 mỏ gồm mỏ Sroc Con Trăng, mỏ Chà Và và mỏ Sroc Tâm được khai thác để cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy xi măng Tây Ninh.

Từ những căn cứ trên, UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh khoá VIII kỳ họp thứ 4 thông qua Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011-2020. Căn cứ Nghị quyết HĐND, UBND tỉnh có Quyết định số 1837/QĐ-UBND ngày 24.9.2012 ban hành Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011-2020. Trong đó, có nội dung quy hoạch, bố trí sử dụng 365 ha đất lâm nghiệp của Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng để phục vụ việc thăm dò, khai thác khoáng sản và các hoạt động dây chuyền 2 Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh. Diện tích này gồm 61 ha đất rừng non phục hồi trên trảng cây bụi (IIb); 100  ha đất trảng cây bụi có nhiều cây gỗ tái sinh tự nhiên (IIa); 79 ha rừng trồng; 104 ha đất chưa có rừng (trạng thái Ic 81ha, Ib 114ha, Ia 9ha) và 21 ha đất cây nông nghiệp. Như vậy, khu vực quy hoạch 365 ha không phải hoàn toàn là rừng nguyên sinh như một số báo, đài đã đưa tin.

Việc quy hoạch 365 ha đất Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp giai đoạn (2011-2020) được thực hiện theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Diện tích đất này, hiện nay tỉnh chưa giao cho Công ty cổ phần xi măng Fico Tây Ninh mà vẫn do Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, bảo vệ theo hiện trạng rừng hiện có. Trước khi triển khai các dự án dây chuyền 2 - Nhà máy xi măng Fico, UBND tỉnh sẽ mời các Bộ, ngành liên quan và các chuyên gia đầu ngành đánh giá, xem xét toàn diện kết quả hoạt động dây chuyền 1; kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng, phân tích hiệu quả kinh tế, đánh giá tác động môi trường .v.v... một cách toàn diện; trên cơ sở đó tỉnh sẽ có ý kiến về triển khai dây chuyền 2 của nhà máy, rồi mới trình Bộ Xây dựng và Chính phủ.

Về thủ tục thu hồi chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang thăm dò, khai thác khoáng sản, tỉnh thực hiện đúng theo trình tự thủ tục quy định của pháp luật: Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Khoáng sản, nhất là Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội: “Khi chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, phòng hộ đầu nguồn cho các Dự án có từ 50 ha trở lên, phải xin ý kiến Quốc hội”. Do đó, tại Khoản 11, Điều 1 Nghị quyết số 10/2012/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh về quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011-2020 có quy định rõ: “Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, khi quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với những dự án từ 50 ha trở lên, UBND tỉnh phải báo cáo, xin ý kiến HĐND tỉnh trước khi quyết định, trình Chính phủ, Quốc hội cho chủ trương” .

Một góc rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng ở huyện Tân Châu.

Trên cơ sở phân tích, thông tin nêu trên, UBND tỉnh Tây Ninh khẳng định: Việc quy hoạch, bố trí 365 ha đất này vẫn còn đang trong giai đoạn chuẩn bị về mặt thủ tục, hiện nay khu vực 365 ha đất lâm nghiệp vẫn còn nguyên hiện trạng và vẫn thuộc trách nhiệm quản lý của Ban Quản lý Dự án rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Muốn sử dụng được diện tích đất này để khai thác khoáng sản làm nguyên liệu cho dây chuyền 2 nhà máy xi măng, Công ty cổ phần xi măng Fico Tây Ninh phải có Dự án, thiết kế, đánh giá tác động môi trường… được các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức khoa học, các cơ quan chuyên môn thẩm định chặt chẽ, khoa học. Khi đó, UBND tỉnh mới xem xét trình HĐND tỉnh trước khi báo cáo, trình các Bộ, ngành Trung ương, Chính phủ và Quốc hội xem xét, quyết định. Chỉ sau khi được các cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện, UBND tỉnh mới tiến hành cho thuê đất theo tiến độ thực hiện của Dự án và sau khi khai thác xong, đơn vị khai thác tài nguyên phải phục hồi cảnh quan, môi trường theo đề án được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

- Như thế là việc chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 Nhà máy xi măng đã được thực hiện đúng trình tự quy định của pháp luật. Nhưng lại có dư luận cho rằng: Tây Ninh “xoá sổ” rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng để làm dây chuyền 2 Nhà máy xi măng Fico, khiến nhiều người hiểu không đúng bản chất của vấn đề, cho rằng Tây Ninh chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà không coi trọng việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Bà Chủ tịch nhận định vấn đề này như thế nào?

- Chúng ta đều biết, những năm qua Tây Ninh rất quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Cụ thể là năm 2009, UBND tỉnh đã có Quyết định 875/QĐ-UBND ngày 13.8.2009 ban hành kèm theo Kế hoạch giải quyết tình hình bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện quyết định trên, đến nay toàn tỉnh đã vận động và xử lý thu hồi được 3.816 ha/4.117 ha- đạt 92,6% diện tích đất lâm nghiệp bị bao, lấn chiếm sử dụng trồng cây sai mục đích để trồng lại rừng; tổng diện tích đã trồng rừng từ năm 2009 đến nay là 4.545 ha; trong đó riêng diện tích đã thu hồi thuộc Khu rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng là 1.529 ha và đã trồng rừng được 1.804 ha (diện tích trồng rừng lớn hơn diện tích thu hồi do trồng trên cả phần diện tích đất trống).

Thực tế cho thấy việc xử lý, thu hồi đất lâm nghiệp bị bao chiếm, lấn chiếm trồng cây sai mục đích, với các loại cây có giá trị kinh tế rất cao như cao su, mì… hoàn toàn không dễ dàng, không phải ở đâu cũng làm được, vì đụng chạm đến nguồn lợi của nhiều người. Nhưng với quyết tâm rất lớn, ý chí phục hồi vốn rừng mãnh liệt của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh, công việc hết sức khó khăn đó đã được thực hiện rất tốt, đã thu hồi được 92,6% diện tích đất lâm nghiệp phải thu hồi. Đặc biệt trong việc xử lý hàng ngàn trường hợp bao chiếm, lấn chiếm đất lâm nghiệp, chỉ có 3 trường hợp phải cưỡng chế thu hồi với diện tích là 11 ha, chỉ chiếm tỷ lệ có 0,3% diện tích đã thu hồi. Điều này minh chứng rằng Tây Ninh rất coi trọng việc bảo vệ tài nguyên rừng, Tây Ninh chủ trương bảo vệ rừng, trồng rừng, phục hồi vốn rừng, chứ không phải là phá rừng.Trong nhiều năm qua công tác bảo vệ rừng được các cấp, các ngành quan tâm thường xuyên; Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh giai đoạn (2011-2020) là 71.400 ha- tăng hơn so với quy hoạch giai đoạn trước (2006-2010) là 1.774 ha (69.626 ha).

Riêng tại Khu rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng, trong ba năm qua diện tích rừng đã tăng thêm hơn 1.800 ha rừng trồng mới. Điều này có nghĩa là tính chất phòng hộ đối với hồ Dầu Tiếng được củng cố, tăng thêm. Đồng thời ở đây còn có một điều đáng lưu ý là: Khu vực quy hoạch dự án Nhà máy xi măng Tây Ninh nằm sát biên giới Việt Nam – Campuchia, cách bờ hồ khoảng 20 Km, diện tích Khu rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng rộng hơn 29.555 ha. Nghĩa là việc quy hoạch 365 ha đất lâm nghiệp chỉ chiếm hơn 1% diện tích rừng phòng hộ, và chỉ bằng 1/3 diện tích đã trồng rừng thêm ở rừng phòng hộ. Đồng thời về phía dưới khu rừng phòng hộ, giáp với bờ hồ phía  thượng nguồn còn có một vùng đệm gọi là vùng bán ngập nằm giữa rừng phòng hộ và bờ hồ. Vùng này trong mùa mưa, khi hồ tích nước, mực nước dâng lên thì bị ngập; trong mùa khô khi lượng nước được xả vào hệ thống kênh mương phục vụ thuỷ lợi thì không còn bị ngập. Trong vùng này được trồng các loại cây rừng chịu được sự ngập nước như cây tràm nước, có tác dụng phòng hộ trực tiếp đối với hồ. Từ các yếu tố trên cho thấy “không thể có nguy cơ xoá sổ rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng như một số báo, đài đã đưa tin”.

 - Xin cảm ơn Chủ tịch đã cung cấp cho bạn đọc Báo Tây Ninh những thông tin rất cần thiết để hiểu đúng bản chất của sự việc.

Theo BTNO

 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây