Cần cụ thể hoá hơn những chủ trương, chính sách về công tác phụ nữ

Thứ năm - 28/01/2016 08:00 106 0
Tham dự Đại hội lần thứ XII của Đảng tại Hà Nội, Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh gồm 17 thành viên do Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang dẫn đầu, trong đó chỉ có một đại biểu nữ duy nhất là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Thị Điệp.

Trước khi Đại hội tiến hành bỏ phiếu bầu BCH Trung ương khoá mới, ở hành lang hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia, đồng chí Phan Thị Điệp đã có cuộc trao đổi ngắn với PV Báo Tây Ninh.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Thị Điệp tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.​

PV: Thưa đồng chí, trước khi diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đánh giá về Đại hội các Đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ tăng cao so với nhiệm kỳ trước. Đối với Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, vấn đề này như thế nào? Tỷ lệ nữ trong HĐND các cấp tỉnh Tây Ninh hiện nay.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Thị Điệp:

Tính đến cuối tháng 12.2013, tỉnh Tây Ninh có gần 13.500 cán bộ nữ - chiếm tỷ lệ khoảng 65% tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh. Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW Bộ Chính trị (khoá X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước, công tác quy hoạch cán bộ nữ được chú trọng hơn, khắc phục được một phần tình trạng hụt  hẫng đội ngũ cán bộ nữ ở một số ngành, lĩnh vực.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ được các cấp uỷ quan tâm và tăng cường với nhiều hình thức, chú trọng đào tạo cán bộ diện quy hoạch; Chính sách cán bộ nữ được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm.

Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về cơ chế, chính sách đối với cán bộ nữ, trong đó có một số chính sách khuyến khích cán bộ, công chức nữ tham gia học tập nâng cao trình độ, phấn đấu trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý; Công tác bố trí, sử dụng cán bộ nữ được Tỉnh uỷ chỉ đạo sát sao… Vai trò, vị thế của cán bộ nữ được nâng lên và có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của ngành, cơ quan, đơn vị.

Hiện nay, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp uỷ tăng ở 3 cấp: cấp tỉnh 15,69% (tăng gần 3% so với nhiệm kỳ 2010 – 2015), cấp huyện 16,21% (tăng 2,86%) và cấp cơ sở là 22,31% (tăng 1,35%).

Đối với HĐND các cấp, trong nhiệm kỳ 2011 – 2016, ở cấp tỉnh tỷ lệ nữ tham gia chiếm 26,53%, cấp huyện 25,09% và cấp cơ sở là 22,65%.

PV: Ban Tổ chức Trung ương cũng nhận định vẫn còn cấp uỷ chưa đạt chỉ tiêu cán bộ nữ. Theo đồng chí, đâu là nguyên nhân và cần có giải pháp gì để nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ trong cấp uỷ và HĐND các cấp?

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Thị Điệp:

Không chỉ ở một vài nơi khác, thực tế tại Tây Ninh, cần phải nhìn nhận rằng, thời gian qua, số lượng cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý tăng chậm, thiếu tính ổn định và bền vững; cơ cấu chưa thật cân đối, một số lĩnh vực sụt giảm, chưa tương xứng với sự phát triển của lực lượng cán bộ nữ hiện nay. Tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) vẫn còn thấp; so với chỉ tiêu Nghị quyết 11-NQ/TW, Chương trình hành động của Tỉnh uỷ chưa bảo đảm tỷ lệ theo yêu cầu.

Theo ý kiến cá nhân tôi, nguyên nhân chủ yếu là do công tác quy hoạch và đào tạo chưa kịp thời, nhất là đào tạo về chính trị; chưa mạnh dạn bố trí, sắp xếp đề bạt cán bộ nữ giữ những vị trí quan trọng để họ khẳng định năng lực… Bản thân một số cán bộ nữ chưa thể hiện được bản lĩnh, năng lực, vai trò của chính mình. Mặt khác, định kiến xã hội, tâm lý không thích phụ nữ làm lãnh đạo, giữ trọng trách quan trọng vẫn còn ăn sâu vào trong tiềm thức của một số người, trong đó có cả cán bộ đảng viên.

Để nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về cơ cấu, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp uỷ và HĐND các cấp. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn… cần ưu tiên cho cán bộ nữ. Mạnh dạn phân công, bố trí sắp xếp cán bộ nữ có trình độ, có năng lực giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; thực hiện tốt công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ nữ, tránh bố trí chỉ vì để bảo đảm cơ cấu mà không quan tâm đến chuyên môn, sở trường làm ảnh hưởng đến chất lượng, khả năng của cán bộ nữ.

Đối với phụ nữ tham gia ứng cử HĐND các cấp, ngoài việc lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện, vấn đề xếp liên danh ứng cử cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng tỷ lệ tham gia HĐND các cấp.

PV: Là nữ đại biểu duy nhất của Đảng bộ tỉnh Tây Ninh tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đồng chí kỳ vọng điều gì ở Đại hội, đặc biệt là những chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phụ nữ?

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Thị Điệp:

Tôi hy vọng rằng, sau khi tổ chức Đại hội lần thứ XII thành công, lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ cụ thể hoá hơn những chủ trương, chính sách về công tác phụ nữ, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho cán bộ nữ tham gia cấp uỷ, HĐND các cấp, giữ nhiều vị trí lãnh đạo, quản lý.

Đặc biệt, trong bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 tới đây, theo quy định phải giới thiệu phụ nữ ứng cử ít nhất 35%. Tôi mong rằng, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khoá XII chỉ đạo các ngành, địa phương một cách dứt khoát và kiên quyết, phải có biện pháp chế tài đối với những địa phương không đảm bảo đạt  tỷ lệ này.

Tóm lại, theo tôi, tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ tới nhiều hay ít, cao hay thấp tuỳ thuộc vào sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, thể hiện ở việc chuẩn bị kỹ về số lượng, lựa chọn nhân sự đảm bảo chất lượng và sắp xếp liên danh hợp lý.

PV: Xin cảm ơn đồng chí đã dành cho PV Báo Tây Ninh cuộc trao đổi này.

 

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây