Cần thực hiện tốt việc hỗ trợ để các hộ nghèo dân tộc thiểu số tự vươn lên thoát nghèo bền vững

Thứ năm - 18/04/2019 17:00 102 0
Đoàn giám sát chuyên đề của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2012 - 2018 do đồng chí Huỳnh Thanh Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Tây Ninh làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND huyện Hòa Thành vào sáng ngày 18/4/2019.

huyenHT.jpg

Đồng chí Huỳnh Thanh Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh chủ trì buổi giám sát

Tiếp đoàn có đồng chí Nguyễn Nam Hưng, Chủ tịch UBND huyện Hòa Thành và lãnh đạo các phòng chuyên môn huyện, lãnh đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn.

Đồng chí Phan Thanh Dũng, Trưởng Phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện cho biết, theo thống kê, năm 2012, huyện còn 1 hộ nghèo, 42 hộ cận nghèo dân tộc thiểu số, trong số 363 hộ nghèo và 707 hộ cận nghèo toàn huyện. Đến năm 2018, huyện có 5 hộ nghèo và 12 hộ cận nghèo dân tộc thiểu số trong đó 417 hộ nghèo và 562 hộ cận nghèo toàn huyện. Trong đó, trên địa bàn xã Trường Tây có đông hộ người dân tộc nhất huyện với 62 hộ người dân tộc Khmer, còn 2 hộ nghèo (3 nhân khẩu), 11 hộ cận nghèo (40 nhân khẩu).

huyenHT1.jpg

Đồng chí Phan Thanh Dũng, Trưởng Phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện báo cáo với đoàn

Huyện đã thực hiện thực hiện khá tốt các chính sách, pháp luật hỗ trợ các hộ dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2012-2018 như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ về giáo dục đào tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực dân tộc thiểu số (nâng cấp, sửa chữa nhà văn hóa dân tộc với kinh phí 235 triệu đồng, sửa chữa 360m đường giao thông), chính sách về nhà ở, hỗ trợ tiền điện, có hộ nghèo dân tộc thiểu số được vay số vốn 34 triệu đồng để làm vốn tạo việc làm nâng cao mức sống. Nhân các dịp lễ tết, các cấp hỗ trợ cho các hộ dân tộc thiểu số nhiều phần quà chăm lo đời sống. Kết quả đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số năm 2018 ở huyện thuộc nhóm nghèo N1 (nghèo theo tiêu chí thu nhập), tức thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.

Khó khăn lớn nhất cản trở quá trình thoát nghèo của các hộ dân tộc thiểu số ở huyện Hòa Thanh là hộ nghèo chủ yếu là hộ già yếu, bệnh tật, không có khả năng lao động, không có đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định. Một số ít người dân tộc thiểu số chưa nhận thức về chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các chính sách giảm nghèo nên không muốn thoát nghèo để hưởng các chế độ chính sách do Nhà nước hỗ trợ.

huyenHT2.jpg

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu

Các thành viên đoàn giám sát đặt ra nhiều vấn đề, yêu cầu huyện làm rõ thêm như cần phân tích rõ hơn, cụ thể hơn trong giai đoạn 2012-2015 riêng về dân tộc thiểu số đạt được kết quả như thế nào? Trong quá trình thực hiện ở địa phương có gì bất cập cần đề xuất, kiến nghị? Các xã khác, ngoài xã Trường Tây có hộ dân tộc thiểu số không? Cần có thống kê, phân tích tổng số hộ dân tộc thiểu số với các mức sống, những hộ nào cần hỗ trợ, việc áp dụng các chế độ, chính sách đối với các hộ này ra sao?

Thành viên đoàn giám sát thông tin qua kiểm tra đột xuất 3 hộ cho thấy xã Trường Tây đã chọn đúng đối tượng, phù hợp nhu cầu việc làm của người dân tộc, bước đầu cho thấy hiệu quả và đề nghị huyện cần có thêm sự hỗ trợ cho người dân có hướng phát triển nghề nghiệp để thoát nghèo bền vững.

Đồng chí Huỳnh Thanh Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Tây Ninh đánh giá cao những nỗ lực, phấn đấu của huyện Hòa Thành trong công tác giảm nghèo của huyện, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện đã có nhiều dự án để chăm lo cho đối tượng này, trong đó có một dự án lớn nhằm tổ chức lại không gian sống của họ phù hợp tập quán, tín ngưỡng. Đồng chí đề nghị huyện quan tâm rà soát nắm chắc lại hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo dân tộc thiểu số, công tác bình xét hộ nghèo dân tộc thiểu số phải đúng và trúng đối tượng, phải khách quan, công bằng. Đồng thời lưu ý khi thực hiện những chế độ chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số phải phù hợp điều kiện, chức năng nhiệm vụ theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Tây Ninh đề nghị huyện quan tâm thực hiện nhiều nội dung trong đó có việc cần đổi mới phương thức sản xuất, phải có liên kết sản xuất giữa các hộ nghèo dân tộc thiểu số phù hợp xu hướng hội nhập kinh tế thế giới, đảm bảo an toàn thực phẩm, mới có khả năng giảm nghèo bền vững; cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, giảm chính sách “cho không”, tránh hình thành tâm lý ỷ lại không muốn thoát nghèo. Công tác đào tạo nghề, hỗ trợ giống, vốn phải gắn với hỗ trợ về mặt kỹ thuật để các đối tượng tự vươn lên, thoát nghèo bền vững.

XV


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây