Ngành giáo dục chủ động thực hiện đảm bảo an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường

Thứ tư - 17/04/2019 19:00 105 0
Sáng ngày 17/4/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về đảm bảo an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành và hơn 600 điểm cầu cấp huyện.


Chủ trì tại điểm
cầu Hà Nội là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Cùng tham gia
còn có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các chuyên gia và lãnh đạo các điểm
trường.

Điểm cầu Tây
Ninh do đồng chí Phạm Văn Tân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì,
cùng tham dự có đồng chí Mai Thị Lệ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố và các cơ sở giáo dục trên địa bàn
và các ban, ngành liên quan.

hoinghi-ANTH.jpg

Bộ trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai
mạc tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, tuy
đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng vấn nạn bạo lực học đường vẫn xảy ra ngày
càng nhiều. Trước tình trạng đó, ngành giáo dục phải tiên phong, chủ động thực
hiện đảm bảo an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường. Hội nghị tập
trung trao đổi thảo luận nhằm nâng cao nhận thức tạo môi trường giáo dục lành mạnh,
an toàn, phòng chống bạo lực, cùng với trách nhiệm triển khai thực hiện một
cách căn cơ, bài bản, với quan điểm phòng là chính, đi liền với đó là các giải
pháp hóa giải các nguyên nhân dẫn đến bạo lực. Giải pháp cần được triển khai đến
các điểm trường, các cán bộ quản lý, giáo viên đứng lớp và cả học sinh trong
nhà trường, phụ huynh cùng chung tay thực hiện. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh
“các thầy cô giáo phải là các nhà giáo dục chứ không phải là thợ dạy”, phải có
trách nhiệm với học sinh của mình, lấy giáo dục là chính, không thiên về răn đe,
xử phạt. Bộ trưởng mong muốn sau hội nghị, công tác phòng, chống bạo lực học đường
đi vào nền nếp, được thực hiện thường xuyên và đem lại hiệu quả tích cực chứ không
chỉ là phong trào tức thời.

 

hoinghi-ANTH3.jpg

Điểm cầu tại
Tây Ninh

Hội nghị được
nghe báo cáo tình hình triển khai hiện nay và kế hoạch đảm bảo an toàn trường học,
phòng, chống bạo lực học đường trong thời gian tới. Phân tích những nguyên nhân
dẫn đến bạo lực học đường, trong đó có những nguyên nhân khách quan như các
thông tin xấu, kích động bạo lực trên mạng xã hội khó kiểm soát, hành vi bạo
hành trong gia đình, sự thay đổi nhanh chóng về tâm sinh lý lứa tuổi trong học
sinh… Nguyên nhân chủ quan, một số địa phương chưa thường xuyên chỉ đạo thực hiện
các quy định về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện,
phòng chống bạo lực học đường; công tác tuyên truyền giáo dục kiến thức pháp luật
cho học sinh ngoài giờ chính khóa chưa được chú trọng; hoạt động trải nghiệm,
hoạt động của Đoàn, Hội, Đội chưa thực sự hiệu quả để tạo ra môi trường an toàn
phòng, chống bạo lực, một số nhà giáo thiếu mẫu mực trong ứng xử, kỹ năng nghiệp
vụ sư phạm còn lúng túng trong xử lý các tình huống; sự phối hợp giáo dục nhà
trường, gia đình và xã hội chưa thường xuyên….

Từ thực tế đó,
hội nghị đề ra nhiệm vụ, giải pháp để phòng, chống bạo lực học đường gồm đẩy mạnh
truyền thông, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, tích hợp nội dung giáo dục
phòng, chống bạo lực học đường và chương trình, các hoạt động giáo dục khác;
hoàn thiện các văn bản chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực phẩm chất
nhà giáo và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Cùng với đó là trách nhiệm
của các đơn vị chức năng của Bộ, các Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng Giáo dục
và Đào tạo, nhất là cần tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên kiêm nhiệm tư vấn tâm
lý, lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin… Hội nghị cũng được tham vấn Mô hình
phòng chống bạo lực học đường - kinh nghiệm từ nghiên cứu quốc tế của PGS.TS Trần
Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục, trường Đại học Giáo dục, Đại hội
Quốc gia Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, nhà trường - gia đình và xã hội là những yếu tố quan
trọng trong thực hiện phòng, chống bạo lực học đường. Và cũng cần nhìn nhận một
thực tế rằng việc triển khai chưa tốt, chưa thấm đến từng địa phương, nhà trường,
do đó, Thứ trưởng đề nghị đẩy mạnh hơn nữa thực hiện kế hoạch phòng, chống bạo
lực học đường, nhất là đẩy mạnh truyền thông, nhận diện bạo lực học đường, phải
xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, an toàn, lành mạnh, hạnh phúc với rất nhiều
giải pháp đã được đưa ra; nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo
sẽ rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản theo đề xuất của các địa phương. Riêng nhà
trường, địa phương phải xây dựng kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường phù hợp
với thực tiễn, có sự phối hợp với các cơ quan, xây dựng quy chế phối hợp liên
ngành để thực hiện.

Kết luận hội
nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đề nghị các bên liên quan
trong ngành giáo dục phải tăng cường công tác phổ biến các quy định pháp luật
có liên quan đến nhiệm vụ này, “giáo dục là phòng, chống chứ không phải là
tuyên truyền để xử lý” Bộ trưởng nhấn mạnh. Các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ
thông, giáo dục thường xuyên phải cụ thể hóa trong kế hoạch của nhà trường, trong
đó, giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu, cấp ủy, đoàn thể, giáo viên và
cả phụ huynh, chính quyền địa phương; tìm hiểu, giải tỏa những mâu thuẫn, nắm chắc
những hoàn cảnh đặc biệt để cần quan tâm hỗ trợ; tăng cường công tác thanh tra,
giám sát. Bộ trưởng khẳng định quan điểm “kiên quyết không để giáo viên vi phạm
đạo đức nhà giáo tiếp tục đứng lớp”. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng
của truyền thông trong thực hiện công tác này.

XV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây