Tại điểm cầu trung ương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và các Thứ trưởng đồng chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Tai điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có đồng chí Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã.
Năm 2020, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản. Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân trên cả nước, năm 2020, toàn ngành đã đạt được những kết quả khích lệ, các chỉ tiêu chủ yếu thủ tướng chính phủ giao đạt và vượt.
Giá trị sản xuất toàn ngành năm 2020 dự kiến tăng 2,75% so với năm 2019, trong đó nông nghiệp tăng 2,7%, lâm nghiệp tăng 2,4%, thuỷ sản tăng 3,3%; GDP toàn ngành dự kiến tăng 2,65%. Tỷ lệ che phủ rừng 42%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 62% (tăng 8% so với năm 2019, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao); thu nhập cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người/năm. Đồng Nai, Nam Định và Hưng Yên là những tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 41,2 tỷ USD. Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn còn 4,2%.
Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn gắn với nhu cầu thị trường, tăng tỷ trọng ngành, sản phẩm nông lâm thủy sản có lợi thế và giá trị cao, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Bộ đã chủ động phối hợp với các địa phương chỉ đạo chặt chẽ mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và tín hiệu của thị trường; tăng cường kiểm soát dịch bệnh, nhất là trước tác động của đại dịch Covid-19. Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm có sự thay đổi rõ nét tiếp tục tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như: thủy sản (tôm chân trắng); rau, quả; đồ gỗ và lâm đặc sản; tăng tỷ trọng hàng chất lượng cao trong tổng sản lượng sản xuất và hàng xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm được ưu tiên. Mở rộng, phát triển mạnh mẽ các vùng chuyên canh sản xuất, gắn với chế biến quy mô lớn, có truy suất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý. Vì vậy, sản lượng các loại nông sản vẫn duy trì xu hướng tăng, đáp ứng dồi dào nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Sản lượng lúa đạt 42,8 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu.
Chăn nuôi chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao được mở rộng; nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ đã hình thành và đang được phổ biến, nhân rộng.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước; tháo gỡ nhiều rào cản thương mại, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục mới. Thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, xuất khẩu vẫn tăng cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 ước đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2019.
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, toàn ngành tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm “Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có”.
Sau ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương bàn giải pháp thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đối với các mục tiêu ngành nông nghiệp năm 2021, phải đạt tăng trưởng khoảng 3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản hơn 3%. Thủ tướng mong muốn toàn ngành phấn đấu làm sao đạt kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 44 tỷ USD.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (ảnh chinhphu.vn)
Tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và tập trung nâng cao chất lượng rừng. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%; ít nhất 200 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 91%. Thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp; cả nước có gần 20.00 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó trên 16.500 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả.
Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập của người nông dân tăng gấp 1,5 lần hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng nông thôn còn dưới 5%. Đặc biệt, Thủ tướng nhắc lại phát động và triển khai kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh ở đô thị và nông thôn.
Thủ tướng đề nghị, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Phải chuyển từ đánh bắt thủy sản là chủ yếu sang chiến lược nuôi trồng, nhất là nuôi trồng biển.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, trong đó ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông tin trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị, kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giải phóng lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng.
Trong phát triển thị trường, cần coi trọng cả xuất khẩu và thị trường trong nước, triển khai chương trình “Đưa hàng hóa từ nông thôn vào thành thị”. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai để chủ động chỉ đạo sản xuất.
Với truyền thống vượt khó của nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Thủ tướng tin rằng, chúng ta sẽ xây dựng một nước có nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Nông dân sẽ ngày càng giàu có hơn. Nông thôn sẽ ngày càng văn minh, phồn vinh, thân thiện và đáng sống hơn.
Thanh Hoa