Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn cháy lớn

Thứ ba - 27/11/2018 11:00 112 0
Sáng ngày 26-11, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Kế hoạch số 91/KH-BCA-C61, ngày 24/4/2013 về triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn trên phạm vi toàn quốc. Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an.

​Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, đến dự có ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại tá Phạm Văn Cao, Phó Giám đốc Công an tỉnh.

congantinh.jpg

Lãnh đạo tỉnh dự tại điểm cầu Công an tỉnh Tây Ninh

Phát biểu khai mạc hội nghị, thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an ghi nhận qua 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 91, công an các địa phương và các ngành đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa cháy lớn và đã đạt được kết quả tích cực, từng bước ngăn chặn, hạn chế được số vụ cháy, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có hơn 500.000 doanh nghiệp hoạt động trong tất cả các lĩnh vực, trong đó hơn 20% là các cơ sở có nguy hiểm cháy nổ. Còn theo thông tin từ Cục cảnh sát phòng cháy chữa cháy-cứu nạn cứu hộ cho biết, qua công tác điều tra cơ bản, phân loại cơ sở, công an các tỉnh, thành phố đã phân loại, lập hồ sơ quản lý về phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với gần 260.000 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó phân loại, lập danh sách hơn 100.000 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ cao. Như vậy, số lượng cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC tăng trên 110.000 cơ sở, số lượng cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ tăng gần 55.000 cơ sở so với thời điểm trước khi triển khai thực hiện Kế hoạch số 91. 

dientappccc.jpg

Diễn tập PCCC tại chợ thành phố Tây Ninh

Công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào Toàn dân tham gia công tác PCCC được chú trọng thực hiện, với nhiều hoạt động thiết thực như Một ngày làm lính cứu hỏa, học kỳ PCCC… Nhiều phong trào được phát động và mang lại hiệu quả thiết thực như phong trào 3 có, phong trào 3 biết, phong trào Nhà tôi có bình chữa cháy…Nhiều mô hình cũng được triển khai như Đơn vị điển hình tiên tiến và khu phố an toàn về PCCC, mô hình cụm, tuyến dân cư an toàn về PCCC…Qua thực hiện đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ, giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến điều kiện an toàn PCCC, nhân dân tự phá dỡ, giải tỏa tạo khoảng cách an toàn PCCC cho khu dân cư, làm đường cho xe chữa cháy tiếp cận khu dân cư dễ cháy, đóng góp kinh phí mua sắm trang bị máy bơm chữa cháy, xe mô tô chữa cháy…

Lực lượng công an đã hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng, huấn luyện, củng cố hơn 42.000 đội PCCC dân phòng, gần 173.000 đội PCCC cơ sở và chuyên ngành. Lực lượng này đã phát huy tốt vai trò, xử lý các sự cố ngay từ khi đám cháy mới phát sinh, tự tổ chức cứu chữa có hiệu quả trên 40% tổng số vụ cháy nổ xảy ra, ngăn chặn nguy cơ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Qua 365 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật về PCCC và hơn 1 triệu lượt kiểm tra an toàn PCCC, lực lượng chức năng đã lập hơn 1,4 triệu biên bản trong đó có hơn 70.000 biên bản vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách hơn 189 tỷ đồng.

Hiện nay, cả nước có 362 đội cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ được bố trí thành lập tại các địa bàn trọng điểm về an ninh, kinh tế, chính trị của cả nước, tăng hơn 170 đội so với thời điểm trước khi triển khai Kế hoạch 91. Qua đó, lực lượng cảnh sát PCCC trực tiếp tham gia cứu chữa hơn 8.600 vụ cháy trên tổng số hơn 15.400 vụ cháy xảy ra (chiếm 56%), kịp thời ngăn chặn, khống chế nhiều vụ cháy lớn, bảo vệ được lượng tài sản hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ đồng, giúp cho hàng ngàn người bị kẹt trong đám cháy thoát hiểm.

Theo số liệu thống kê, từ tháng 5/2013 đến tháng 6/2018, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 15.471 vụ cháy, làm chết 449 người, bị thương 1.070 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính thành tiền khoảng 9.976 tỷ đồng và gần 6.000 ha rừng. Số vụ cháy lớn xảy ra tại 41/63 tỉnh, thành phố và tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm thương mại, nhà cao tầng…Đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố miền Nam chiếm tỷ lệ cao với 48,4%.

Dự báo tình hình cháy nổ ngày càng phức tạp, trong phát biểu kết luận hội nghị, thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, ngăn chặn, nhất định không được lơi lỏng nhằm kiềm chế đến mức thấp nhất cháy nổ xảy ra. Xác định chữa cháy là nhiệm vụ của toàn dân, trách nhiệm của chính quyền, công tác tham mưu của lực lượng công an, Thứ trưởng đề nghị, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về PCCC, giải quyết, ngăn chặn được nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ. Qua các vụ cháy, đã có rất nhiều bài học kinh nghiệm, đặc biệt là các vụ cháy lớn, cùng các loại hình xảy ra cháy (chung cư, quán karaoke, nhà máy, hộ vừa ở vừa sản xuất, xe bồn chở xăng), lực lượng công an phải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tham mưu cho lãnh đạo các cấp để triển khai các chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác này, trong đó cần coi trọng trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCCC.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh nhiều lần đến việc tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC, đặc biệt là xã hội hóa cao độ công tác PCCC, làm sao để các tầng lớp nhân dân nắm vững kiến thức PCCC, luôn luôn cảnh giác cao độ, không xem thường công tác này, đồng thời thực hiện nghiêm phương châm 4 tại chỗ. Phải chủ động thực hiện tốt công tác phòng ngừa cháy nổ, đưa công tác phòng ngừa vào vị trí số một, là cơ bản, là chính, với phương châm "tính mạng con người là trên hết"; đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, vận động cơ sở thực hiện PCCC, không được dễ dãi trong công tác thẩm định; Điều tra nắm chắc địa bàn, phân loại cơ sở theo mức độ nguy hiểm về cháy nổ, đảm bảo 100% cơ sở thuộc diện quản lý đủ hồ sơ theo luật; thường xuyên kiểm tra và công khai hóa các trường hợp vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

XV



Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây