Tăng cường công tác ứng phó với cơn bão số 9

Thứ sáu - 23/11/2018 17:20 88 0
BTNO - Ngày 23.11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT&TKCN) đã ban hành Công văn về việc tăng cường công tác ứng phó với cơn bão số 9.

tang cuong_1.jpg

Ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng chống bão tại Hồ Dầu Tiếng. Ảnh minh hoạ

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Tây Ninh, vào hồi 7 giờ ngày 23.11, vị trí tâm bão nằm ở vào khoảng 10,7 độ vĩ bắc, 112,7 độ kinh đông, cách Thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận khoảng 410 km, cách Bà Rịa- Vũng Tàu khoảng 610 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/h). Bán kính có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180km tính từ tâm bão

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ ngày 23 – 26.11, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và Nam Tây Nguyên có mưa rất to (300-500 mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to (từ 100- 200 mm/đợt), kèm theo lốc xoáy, gió mạnh và sét.

Để chủ động ứng phó cơn bão số 9, Ban chỉ huy PCTT&TKCN Tây Ninh đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa, Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Tây Ninh và UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ.

Trong đó Sở NN&PTNT, Cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chủ động tổ chức kiểm tra các công trình thủy lợi, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh; theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, diễn biến tình hình thời tiết, thông tin kịp thời đến các cơ quan, đơn vị liên quan và người dân chủ động phòng tránh, ứng phó cơn bão số 9.

Bộ CHQS sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi có thiên tai xảy ra; hỗ trợ sơ tán, cứu nạn, cứu hộ theo đề nghị của UBND các huyện, thành phố.

Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa và Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Tây Ninh chủ động theo dõi diễn biến tình hình mưa từ các cơ quan khí tượng thủy văn, mực nước và lưu lượng nước về hồ chứa nước; kịp thời điều chỉnh phương án vận hành hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa phù hợp; không xả lũ bất ngờ gây ảnh hưởng đến hạ du; tính toán, tích nước hợp lý để chủ động ứng phó hạn hán, thiếu nước mùa khô 2019.

tang cuong_2.JPG

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp nhân dân khi bão đổ bộ. Ảnh minh hoạ

Kiểm tra việc vận hành hồ chứa, đối với hồ có cửa van xả lũ phải chủ động vận hành xả lũ đế ứng phó với mưa lớn; khắc phục ngay các hư hỏng có nguy cơ mất an toàn, không để xảy ra sự cố, bảo đảm an toàn công trình và an toàn cho người dân vùng hạ du. Tăng cường kiểm tra công trình thủy lợi, các hệ thống kênh tiêu thoát nước, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị ứng cứu khi công trình xảy ra sự cố.

Đối với UBND các huyện, thành phố cần rà soát, kiểm tra xác định số hộ dân, vận nuôi phải di dời, địa điểm di dời, sơ tán người đến nơi an toàn khi có nguy cơ bị ảnh hưởng do cơn bão số 9. Có kế hoạch bảo vệ người, tài sản, vật nuôi, thông báo nhân dân tập trung thu hoạch lúa, mì… để tránh bị thiệt hại khi ảnh hưởng của bão gây ra mưa lớn.

Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn, luôn sẵn sàng theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và 3 "sẵn sàng" ( chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).

Tăng cường công tác thông tin trên Đài truyền thanh huyện, xã, ấp về diễn biến cơn bão số 9 cho người dân biết và chủ động ứng phó, triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai theo "Sổ tay hướng dẫn một số biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai" của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

Chuẫn bị sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống ứng phó với tình trạng ngập úng, bão đổ bộ trực tiếp trên địa bàn, bão mạnh và rất mạnh trên địa bàn tỉnh…

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây