Họp Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh

Thứ năm - 22/11/2018 14:00 72 0
Chiều ngày 20-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tỉnh nhằm đánh giá kết quả thực hiện trong năm 2018.

3 nguoi.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc chủ trì cuộc họp

Theo báo cáo của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo, trong năm 2018, việc thực hiện hai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trên địa bàn đã đạt được một số kết quả tích cực. Nguồn lực đầu tư vào hai chương trình MTQG là gần 2.200 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn dành cho xây dựng nông thôn mới là hơn 2.000 tỷ đồng, nguồn vốn dành cho chương trình giảm nghèo bền vững là hơn 135 tỷ đồng.

Cụ thể, với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, ước thực hiện năm 2018, có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 36/80 xã (đạt tỷ lệ 45%). 44 xã còn lại, mỗi xã tăng ít nhất 2 tiêu chí so với năm 2017. Bình quân toàn tỉnh đạt 15,4 tiêu chí/xã (tăng 1,2 tiêu chí so với năm 2017). Từ việc thực hiện chương trình này, các ngành, địa phương đã xây dựng, nâng cấp 172,5 km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa 14,3 km kênh mương nội đồng; xây dựng 64 trường học đạt chuẩn (trong đó có 23 công trình khởi công mới); nâng cấp 13 Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã, 49 Nhà văn hóa ấp; tổ chức 145 lớp đào tạo nghề cho 4.606 lao động nông thôn, trong đó nghề nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao với 107 lớp, 3.437 lao động theo học; nghề phi nông nghiệp 38 lớp với 1.169 lao động theo học.

doan.jpg

Thực hành chế biến món ăn tại buổi bế giảng lớp dạy nghề nấu ăn ở xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh

Năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 13 mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị gia tăng gắn ứng dụng công nghệ cao; khoảng 40 mô hình khuyến nông theo hướng theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong canh tác. Cấp chủ trương đầu tư cho 12 dự án thực hiện Chính sách hỗ trợ nông nghiệp với kinh phí 226,49 tỷ đồng.

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh đã hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình 135 như: Dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; Dự án duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng sau đầu tư; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, tính đến thời điểm 31/10/2018, đang triển khai thực hiện 4 nhóm dự án tại 16 xã biên giới (gồm nhóm dự án chăn nuôi bò sinh sản, nhóm dự án chăn nuôi heo, nhóm dự án chăn nuôi gà và nhóm dự án máy móc, thiết bị), Dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở; Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin và Dự án nâng cao năng lực và giám sát đánh giá thực hiện Chương trình. Việc thực hiện lồng ghép, tích hợp các chính sách giảm nghèo đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn theo hướng bền vững. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã ngoài Chương trình 135, đang triển khai thực hiện 4 nhóm dự án trên địa bàn 10 xã. Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo mới đây, năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo đã được kéo giảm 0,94%. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều toàn tỉnh đạt 2,54%.

Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố nêu một số ý kiến, phản ánh những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện, cho thấy có huyện cũng còn lúng túng, cần sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.

Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương cần tập trung điều chỉnh lại quy hoạch nông thôn mới cho phù hợp với tình hình mới, phù hợp với tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các tiêu chí nâng cao; tập trung các giải pháp thực hiện theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn nâng cao. Trưởng ban chỉ đạo các huyện, thành phố cần có sự chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phối hợp địa phương giải quyết những khó khăn theo kiến nghị.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng, năm 2018, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo một cách quyết liệt quá trình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và đã có những chuyển biến tích cực, đạt được kết quả khá toàn diện; chất lượng một số tiêu chí được nâng lên, đi vào thực chất hơn so với thời gian trước, đời sống người dân cũng được nâng lên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền một cách sâu rộng, tích cực hơn nữa, để các tầng lớp nhân nhân thấy rằng xây dựng nông thôn mới không chỉ là trách nhiệm của hệ thống chính trị mà còn là của người dân; đồng thời, nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo các cấp trong chỉ đạo, triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Sau khi bộ tiêu chí nâng cao được ban hành, các địa phương nhanh chóng xây dựng kế hoạch, triển khai và tổ chức thực hiện, theo hướng nâng về chất lượng và có tính phấn đấu cao. Đối với những xã đã được công nhận cũng cần tự rà soát để nâng cao các tiêu chí đã đạt; trong tổ chức thực hiện, từng cấp, từng ngành, huyện, xã phải chủ động trong cách nghĩ cách làm, không rập khuôn, máy móc, khuyến khích xây dựng các mô hình và nhân rộng mô hình từ cơ sở; có giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, chú trọng giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, nâng cao chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp để góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người dân; tiếp tục vận động và huy động một cách hợp lý, có hiệu quả nguồn lực trong nhân dân và trong các thành phần kinh tế; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện.

Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, lãnh đạo tỉnh giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội bổ sung đánh giá mặt được, chưa được, nguyên nhân, nhất là làm rõ nguyên nhân của những hạn chế trong triển khai các dự án thành phần. Ở một mức độ nhất định cho thấy đã có hiệu quả, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng so với yêu cầu đặt ra; trong lồng ghép tích hợp chính sách còn lúng túng trong thực hiện, tỷ lệ giải ngân cũng còn thấp,...Do đó, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, minh bạch hóa các chương trình mục tiêu đến các đối tượng thụ hưởng biết đến chính sách; nâng cao trách nhiệm, vai trò của các địa phương, của các ngành có liên quan trong việc triển khai các dự án thành phần trên tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, linh hoạt để bảo đảm các đối tượng có nhu cầu tiếp cận được các dự án một cách đầy đủ nhất, mang lại hiệu quả nhất; nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt về giảm nghèo bền vững và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện.

XV


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây