Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam, giai đoạn 2011-2020

Thứ ba - 19/01/2021 22:00 142 0
Sáng ngày 19/01/2021, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam, giai đoạn 2011-2020; Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã, giai đoạn 2014-2020 và Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi, giai đoạn 2013-2020.

Hội nghị do đồng chí Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chủ trì.


Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, có đồng chí Nguyễn Hữu Ngân - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, đồng chí Hoàng Thị Thanh Thúy - Bí thư Tỉnh Đoàn, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2012-2020; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam, giai đoạn 2011-2020, cho thấy, sau 10 năm thực hiện Chiến lược, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của thanh niên và trách nhiệm ban hành, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách phát triển thanh niên đã có nhiều chuyển biến tích cực; các cấp, các ngành đã triển khai đầy đủ và toàn diện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Dấu ấn lớn nhất trong giai đoạn này là việc Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Thanh niên, đây chính nền tảng, là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành tiếp tục cụ thể hóa và hoàn thiện chính sách, pháp luật về thanh niên.

Việt Nam hiện đang ở giai đoạn “dân số vàng” với lực lượng thanh niên khoảng 23.684.000 người, chiếm khoảng 24,3% tổng dân số cả nước. Việc triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chương trình phát triển thanh niên của các bộ, ngành, địa phương chủ yếu được lồng ghép với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý và bám sát các giải pháp cụ thể của Chiến lược, trong đó, xác định và phân công rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện và tiến độ hoàn thành. Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện 6 mục tiêu, 8 nhóm chỉ tiêu phát triển thanh niên tại Quyết định số 2474/QĐ-TTg và 29 chỉ tiêu được điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 1042/QĐ-TTg. Tính đến năm 2020, có 63,03% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ trung học phổ thông và tương đương.

Đến nay, việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chiến lược của các bộ, ngành, địa phương về cơ bản đã đi vào nền nếp, dần khắc phục được tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với tổ chức đoàn thanh niên hoặc "khoán trắng" cho tổ chức Đoàn thanh niên so với giai đoạn đầu thực hiện Chiến lược. Với sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội, thanh niên ngày càng nhận thức sâu sắc, rõ ràng hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với đất nước, với bản thân; nỗ lực phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập và lao động; nhiều thanh niên trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý, kinh doanh trẻ, giỏi; tỉ lệ trí thức trẻ chiếm lĩnh các đỉnh cao của khoa học, công nghệ ngày càng gia tăng; sự tham gia của thanh niên vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước ngày càng được tăng cường.

Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi, giai đoạn 2013-2020 triển khai thực hiện tại 34 tỉnh, tuyển chọn 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi để bố trí thực hiện công việc của các chức danh (công chức Văn phòng - Thống kê; công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường; công chức Tài chính - Kế toán; công chức Tư pháp - Hộ tịch; công chức Văn hóa - Xã hội) nhằm giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Thông qua các hoạt động thực tiễn ở cơ sở, tạo cơ hội, điều kiện để trí thức trẻ phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành, đồng thời tạo nguồn cán bộ, công chức cho các địa phương.

Qua đánh giá hàng năm, phần lớn các trí thức trẻ tham gia Đề án đều được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; có 393/500 trí thức trẻ trở thành đảng viên.

Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã, giai đoạn 2014-2020, có 49 tỉnh thuộc phạm vi Đề án đăng ký nhu cầu bồi dưỡng cho 23.123 cán bộ, công chức trẻ ở xã. Kết quả thực hiện Đề án đã bồi dưỡng được 14.330 cán bộ, công chức trẻ của 2.293 xã thuộc 42 tỉnh trong phạm vi Đề án đạt 61,2% nhu cầu bồi dưỡng của địa phương và đạt 98% mục tiêu đề ra. Có 7 tỉnh không triển khai thực hiện Đề án vì số lượng xã ít nên số cán bộ, công chức trẻ không đủ để tổ chức mở lớp bồi dưỡng.

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã từng bước được phát triển cả số lượng và chất lượng. Việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức trẻ ở cơ sở và đưa sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng về xã, phường, thị trấn công tác đã từng bước trẻ hóa và nâng cao trình độ về các mặt của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Chất lượng đội ngũ được nâng lên cả về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và kinh nghiệm thực tiễn. Hệ thống chính trị ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần to lớn trong quá trình xây dựng phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, góp phần quan trọng đảm bảo ổn định quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Hội nghị cũng công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 6 tập thể, 4 cá nhân; quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ tặng bằng khen cho nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam, giai đoạn 2011-2020; Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã, giai đoạn 2014-2020 và Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi, giai đoạn 2013-2020.


Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. (ảnh chinhphu.vn)

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam, giai đoạn 2011-2020; Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã, giai đoạn 2014-2020 và Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi, giai đoạn 2013-2020.

Sau khi phân tích, chỉ ra những hạn chế, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị trong thời gian tới, năm 2021 là năm triển khai thực hiện Luật Thanh niên.

Về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở tổng kết này, có các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém; xây dựng và phát triển thanh niên Việt Nam, giai đoạn 2021-2030, trình Chính phủ ban hành, trong đó, tập trung nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là các văn bản quy định chi tiết về Luật Thanh niên, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thanh niên đáp ứng yêu cầu đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế xã hội trong gia đoạn mới.

Các bộ, ngành địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả việc thu hút trí thức trẻ tham gia phát triển kinh tế xã hội, nhất là các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; lưu ý đổi mới cách làm, tránh bề nổi, hình thức, chú trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, lý tưởng cách mạng, ý thức kỷ luật, tư duy năng lực và sức sáng tạo, để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho cơ sở.

Đối với Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã, cần đánh giá toàn diện hơn kết quả triển khai Đề án giai đoạn 2014-2020, để xây dựng kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo. Bộ Nội vụ rà soát kỹ về phạm vi, đối tượng tránh trùng lặp với các chức danh với đề án của các bộ, ngành đang triển khai hiệnn nay, trong đó chú trọng đến cán bộ, công chức trẻ cấp xã, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; xác định rõ về nội dung chương trình, kinh phí, tập trung bồi dưỡng công nghệ thông tin, tiếng nước ngoài, kỹ năng sống, hướng nghiệp, bảo đảm phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với đặc thù của địa phương.

Với Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi, giai đoạn 2013-2020, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh giải quyết các chế độ, chính sách phù hợp đối với đội ngũ đội viên sau khi kết thúc thời hạn công tác. Đối với các địa phương đã bố trí sử dụng đội viên, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm theo dõi thực hiện đảm bảo việc xét tuyển là phù hợp và đúng quy định của pháp luật. Đối với các địa phương chưa có phương án bố trí sử dụng thì Bộ Nội vụ phải hướng dẫn tiếp tục thực hiện như hội nghị đã thống nhất là sẽ báo cáo với Chính phủ kéo dài Đề án này, bảo đảm quyền lợi cho các đội viên.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ bày tỏ niềm tin, sự kỳ vọng vào thế hệ thanh niên hiện nay, sẽ trở thành công dân toàn cầu, với năng lực tự tin và hành trang hội nhập tốt, sẽ có những cống hiến, đóng góp xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

ST

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây