Tại điểm cầu Tây Ninh, tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành chăn nuôi hiện nay, với tốc độ tăng tưởng thời gian qua luôn ở mức cao, trung bình từ 5-6%/năm, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Hiện nay, tổng đàn lợn của Việt Nam đạt 27 triệu con, đứng thứ 7 trên thế giới, tổng đàn gia cầm khoảng 385 triệu con, trâu, bò, dê lên đến hàng triệu con. Mục tiêu đến năm 2025, phần lớn các sản phầm chăn nuôi hàng hóa đều được sản xuất theo mô hình trang trại và trong các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp với chất lượng tốt, độ an toàn cao và giá thành thấp nhất so với các nước trong khu vực; đến năm 2030, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt trên 40%.
Có vai trò quan trọng như vậy nhưng ngành chăn nuôi luôn đứng trước những thách thức, đặc biệt là dịch bệnh. Thời gian qua, công tác phòng chống dịch bệnh đã được thực hiện tốt, hạn chế dịch bệnh nguy hiểm xảy ra. Trước tình hình dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi có nguy cơ xâm nhiễm vào nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 1194/CĐ-TTg, ngày 12/9/2018, gửi các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, UB MTTQ Việt Nam về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam với những biện pháp rất cụ thể.
Với quyết tâm hành động phòng chống dịch, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cần nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến dịch bệnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các cơ quan chuyên môn để kịp thời nắm bắt, phản ảnh đầy đủ thông tin về dịch bệnh đến cơ quan chức năng, người dân; Nghiêm cấm mọi hành vi vận chuyển buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc; giám sát chặt chẽ không để các bệnh lây nhiễm qua biên giới; Triển khai vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, giết mổ, khu vực trung chuyển; chủ động xây dựng phương án, các biện pháp xử lý nếu xảy ra dịch; Thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôc đốc việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn xâm nhiễm vào Việt Nam.
Đối với công tác phòng chống dịch bệnh động vật vụ Thu Đông, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tập trung phòng, chống các bệnh nguy hiểm thường xảy ra như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh lợn, bệnh dại…không được chủ quan. Rà soát, cập nhật kế hoạch chi tiết để thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch phòng chống dịch bệnh của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; giám sát chặt địa bàn, phát hiệu sớm và xử lý kịp thời ổ dịch không để lây lan ra diện rộng. Bằng những biện pháp cụ thể, thường xuyên, liên tục, không để xảy ra ổ dịch lớn, ngăn chặn, không để dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập vào Việt Nam bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân.
Tại hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo chuyên sâu kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn ở Châu Phi của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Khánh Hòa, Đồng Nai, Hội Thú y Việt Nam, thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia báo cáo tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua, nhất là chủ động phòng chống dịch tả lợn Châu Phi cùng với những đề xuất về các giải pháp để phòng, chống dịch bệnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, trong các biện pháp phát triển chăn nuôi, nhất thiết phải làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh. Thời gian qua, công tác phòng trừ dịch bệnh đã thực hiện tốt, từ nay đến cuối năm phải làm tốt hơn, trước điều kiện môi trường thuận lợi cho dịch bệnh phát triển, nguy cơ lan truyền bệnh cao. Do đó, các địa phương cần kiên quyết, tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp được nêu trong kế hoạch triển khai của Bộ.
Trước sự nguy hiểm của dịch bệnh tả lợn Châu Phi với tỷ lệ chết cao, sau hội nghị, các bộ, ngành liên quan rà soát hoàn chỉnh đề án phòng, chống bệnh; UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng chương trình phòng chống dịch tả lợn Châu Phi một cách chi tiết nhất. Các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải tự ý thức chủ động phòng chống dịch, đảm bảo an toàn đàn vật nuôi của mình.
Bộ Trưởng nhấn mạnh, cần kiểm soát từ bên ngoài vào, nhất là ở các tỉnh biên giới kết hợp tự phòng tại đàn, nâng cao năng lực quản lý nhà nước. Cục Thú y là cơ quan chịu trách nhiệm phát ngôn truyền thông về dịch bệnh này. Đặc biệt, tổ chức triển khai Tháng Vệ sinh tiêu độc khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất (15/9 đến 15/10/2018), là biện pháp hiệu quả để phòng chống dịch bệnh.
Bộ Trưởng tin tưởng mặc dù công tác phòng trừ dịch bệnh nói chung, trong đó có phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi phức tạp, nhưng nếu chúng ta đồng lòng thực hiện đồng bộ những giải pháp thì sẽ thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, góp phần giữ vững thành quả của ngành chăn nuôi.
XV